Tin tức cà phê

Cà phê Arabica Khe Sanh khao khát vươn ra thế giới

Share

Cà phê Arabica Khe Sanh, Huyện Hướng Hóa của tỉnh Quảng Trị đang ấp ủ tham vọng đưa sản phẩm cà phê vào thị trường Mỹ. Liệu điều này có trở thành hiện thực.

Trong cuộc canh tranh này, cà phê Khe Sanh đang có lợi thế, vì cà phê Arabica được người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng hơn.

Mô hình cà phê chất lượng cao

Tôi cùng David Lee, một du khách người Mỹ uống cà phê Khe Sanh chính hiệu tại quán cà phê cũng có tên gọi Khe Sanh ở đường Hùng Vương, thị trấn Khe Sanh. Có lẽ, đây là quán duy nhất của tỉnh Quảng Trị sử dụng công nghệ cao cấp để rang và xay cà phê tại chỗ thành sản phẩm cà phê hòa tan phục vụ du khách. Nhấm nháp cà phê Khe Sanh, mùi thơm ngon, nhẹ nhàng, quyến rũ khó quên.

Chúng tôi cùng ngắm những sắc xanh thấm đậm của rừng cà phê Khe Sanh bao mùa cho quả và sắc xanh non tơ của những vườn cà phê mới trồng đã phủ lên hoang vu rừng núi Khe Sanh, khiến ai cũng có cảm giác dễ chịu, khi thịt da được thở cùng nồng nàn của hương cà phê. David Lee mong muốn cà phê Khe Sanh sớm có mặt trên đất Mỹ.

Hơn một trăm năm trước, người Pháp đã thấy thế mạnh đắc địa của Khe Sanh với cây cà phê. Một đồn điền cà phê của người Pháp mọc lên, bà chủ có tên Rome. Những năm chuẩn bị chiến dịch giải phóng Khe Sanh, từ miền Bắc vào, mấy anh bộ đội đã nhặt hạt cà phê hoang để rang pha uống.
Đó là cà phê mọc hoang của đồn điền Rome chín rụng, chồn ăn vào dạ dày rồi thải ra nguyên hạt như đã được phơi khô. Nơi các anh bộ đội uống cà phê chính là vị trí đồn điền trước đây của bà Rome. Trải qua bao cuộc dâu bể nhưng cây cà phê vẫn luôn nồng nàn với hương đất Khe Sanh – Hướng Hóa.

Huyện Hướng Hóa chủ yếu trồng cà phê Arabica, gần 5.000 ha và sắp đến sẽ nhiều hơn nữa, trong đó có 4.000 ha cho khai thác. Hiệp hội Cà phê- Ca cao Việt Nam được sự hỗ trợ của các công ty cà phê thế giới đã chọn Khe Sanh làm nơi thử nghiệm mô hình sản xuất cà phê chất lượng cao, mong muốn biến Khe Sanh thành một trung tâm trồng và sản xuất cà phê của miền Trung.

Địa hình ở Khe Sanh có độ cao từ 350 đến 500m so với mặt nước biển. Cây cà phê trồng ở địa hình càng cao thì hạt càng ngon, nhân của hạt cà phê sẽ bớt đi những dấu lấm tấm.

Ngày càng nhiều quán cà phê phục vụ cà phê Khe Sanh chất lượng cao dành cho người tiêu dùng địa phương Quảng Trị – Ảnh minh họa

Cà phê Khe Sanh – thương hiệu nổi tiếng

Nông dân Nguyễn Văn Lân ở xã Hướng Phùng khoe nhờ tập trung đầu tư làm cà phê chất lượng cao nên sản phẩm rất dễ bán, giá lại cao. Theo ông Lân, trước đây cà phê Khe Sanh chất lượng kém vì bà con thường hái quả vừa già, vỏ đang xanh, mỗi lần thu hoạch về họ thường mang ngâm nước cho lợi về trọng lượng khi bán. Cách làm này của không ít người vô tình làm cho cà phê Khe Sanh mất uy tín.

Nhằm nâng cao chất lượng và bảo đảm sản xuất, kinh doanh cà phê trên địa bàn huyện có hiệu quả, bền vững, huyện Hướng Hóa đã vận động bà con bỏ thói quen thu hoạch cà phê xanh và ngâm nước, bỏ việc mua bán cà phê kém chất lượng.

Cùng với đó, yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở thu mua, chế biến cà phê kiên quyết chỉ thu mua cà phê có tỷ lệ quả chín từ 95% trở lên, không thu mua cà phê bị ngâm nước, lên men, lẫn tạp chất…

Ông Nguyễn Ngọc Sắc – Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, cho biết: Huyện chủ trương phục hồi cà phê Khe Sanh thành một thương hiệu nổi tiếng, xem đó là việc làm cần thiết cho mặt hàng nông sản chủ lực trên địa bàn.

Nhằm hạn chế tình trạng mua bán lộn xộn, ép giá nông dân, chúng tôi đã chỉ đạo các đại lý có giấy phép mới được thu mua cà phê trên địa bàn và cam kết thu mua cà phê đúng chất lượng. Khi xuất cà phê ra khỏi địa bàn huyện Hướng Hóa qua Hải quan cổng B để vào nội địa sản phẩm phải chứng minh được nguồn gốc.

Sự quyết tâm nâng tầm thương hiệu cà phê Khe Sanh của huyện Hướng Hóa chỉ sau hai mùa đã mang lại kết quả tốt đẹp. Sản lượng cà phê ở đây xuất khẩu năm vừa rồi rất được bạn hàng tín nhiệm.

Ngoài ra, để người trồng cà phê yên tâm, nhiều doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân, cam kết mua đúng giá thị trường và cộng thêm 150 đồng/kg quả tươi. Ngân hàng Nông nghiệp- PTNT chi nhánh Hướng Hóa cam kết đẩy mạnh hơn nữa cho người trồng cà phê vay vốn để đầu tư vào giống, máy móc thiết bị chế biến sản phẩm cà phê.

Để cà phê Khe Sanh có mặt ở Mỹ

Vụ cà phê 2012, trị giá xuất khẩu cà phê Khe Sanh đạt con số 25 triệu USD. Chỉ một mặt hàng nông sản của một huyện miền núi mà xuất khẩu mang về ngần ấy ngoại tệ cho đất nước thì không phải là nhỏ.

Nếu làm cà phê đúng quy trình trị giá xuất khẩu sẽ cao hơn rất nhiều con số đó. Công ty TNHH Tây Tiến, nhà phân phối cà phê Arabica Khe Sanh cho biết mô hình làm cà phê chất lượng cao tại Khe Sanh có kết quả rất khả quan. Muốn nâng cao giá trị nông sản cho nông dân, trước hết phải bắt đầu từ chất lượng sản phẩm.Làm việc với huyện Hướng Hóa, khi đánh giá về tiềm năng và giá trị cà phê Khe Sanh, ông Nguyễn Đức Cường – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết: “Cà phê Khe Sanh muốn xuất sang thị trường châu Âu, châu Mỹ phải cạnh tranh gay gắt với các thương hiệu lớn cùng với những hàng rào kỹ thuật qui định về tiêu chuẩn cũng như chất lượng cà phê.

Chính vì vậy, tìm giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cà phê Khe Sanh, phát huy các thế mạnh sẵn có đồng thời khắc phục những hạn chế rủi ro còn tồn tại nhằm thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng cà phê trong thời gian tới là vô cùng cấp thiết”.
Đọc tiếp >> http://khesanhcoffee.com/giac-mo-my-cua-ca-phe-khe-sanh/

Share