Cà phê Robusta sẻ, “báu vật” còn sót lại giữa Tây Nguyên
Gia Lai – Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, ngày càng có nhiều loại cà phê nhân giống, lai tạo mới. Tuy nhiên, người dân ở xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh, Gia Lai vẫn còn mặn mà với cà phê Robusta sẻ thuần chủng của thời kỳ đầu người Pháp đưa cây cà phê sang Việt Nam.
Tỉnh Gia Lai là vùng chuyên canh cây cà phê lớn của cả nước với trên 90.000ha cho kinh doanh thu hoạch. Tại xã Ia Mơ Nông, một trong những nông trường cà phê lớn của Gia Lai, còn lưu giữ giống gốc cà phê từ lâu đời.
Cũng giống như cây chè từ thời Pháp thuộc trăm năm tuổi còn lưu lại ở đồi chè xã Nghĩa Hưng và xã Biển Hồ, người dân xã Ia Mơ Nông còn khoanh vùng giữ trên 60ha cà phê giống Robusta sẻ.
Ông Lê Văn Thanh – Giám đốc Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ du lịch – Nông nghiệp Ia Mơ Nông cho biết: “Giống Robusta sẻ gợi nhớ về thuở ban đầu của hạt cà phê trồng trên các đồn điền do người Pháp cai quản. Hạt Robusta sẻ nhỏ, chắc và nặng có hương thơm đậm đà, quyến rũ mà ít có loại hạt cà phê nhân giống lai tạo nào có được”.
Theo ông Thanh, hiện nay người nông dân chủ yếu dùng các giống cà phê lai tạo nhằm có sản lượng, năng suất cao hơn, thích ứng với thời tiết tốt hơn. Tuy nhiên mức độ thơm ngon, chất lượng thì khó sánh bằng cà phê Robusta sẻ.
Hơn 60ha cà phê Robusta sẻ được lưu giữ lại ở Ia Mơ Nông vừa là để kỷ niệm, giữ gìn nguồn giống cà phê ban đầu, vừa mong muốn chính quyền địa phương cho mở rộng loại giống đặc biệt này trên diện tích lớn hơn.
“Tỉ lệ Robusta sẻ chín cao, hương vị sâu, hậu vị đậm kéo dài, body mạnh, thơm lâu. Hiện tại cà phê Robusta sẻ còn được trồng rất ít, chỉ được phân bố ở một vài nơi, chủ yếu ở Ia Mơ Nông và đứng trước nguy cơ bị loại bỏ”, ông Thanh lo lắng nói.
Cuối tháng 12.2021, tại TP.Plieku diễn hội thảo “thúc đẩy tổ chức sản xuất vùng nguyên liệu để nâng cao và phát triển bền vững ngành hàng cà phê Tây Nguyên”, có sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ du lịch – Nông nghiệp Ia Mơ Nông đã nêu ra nhiều khó khăn mà người nông dân Gia Lai phải đối diện.
Sản lượng cà phê ngày càng tăng cao, nguồn thu từ cây cà phê đã giúp rất nhiều gia đình, nhất là gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống, có vốn tích lũy. Tuy nhiên, giá trị cây cà phê mang lại chưa tương xứng với tiền năng của địa phương. Tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học gây ra nhiều hệ lụy đến môi trường và chất lượng cà phê không được đánh giá cao trên thị trường.
“Việc đầu tư nhân giống Robusta sẻ, nới rộng diện tích với quy trình canh tác khoa học, hữu cơ, thân thiện với môi trường, hy vọng sẽ giúp nâng cao giá trị hạt cà phê Việt trên thị trường thế giới”, ông Lê Văn Thanh chia sẻ.
Theo Lao động