Nhân vậtNông dân cà phê

Chàng trai ‘cõng’ cà phê đi dự các triển lãm

Share

Từng có công việc ổn định nhưng Y Pốt Niê nghỉ ngang, về nhà khởi nghiệp thành công cùng hạt cà phê.

Về rẫy cà phê

Những ngày cận tết, Y Pốt Niê (33 tuổi), dân tộc Ê Đê, trú buôn Kla, xã Đray Sáp, H.Krông Ana, Đắk Lắk, cùng các nhân viên tất bật đóng gói cà phê, ghi địa chỉ để gửi hàng cho khách. Khuôn viên xưởng khoảng 200 m2 rộn ràng tiếng máy rang, tiếng sàng hạt, thơm nức mùi cà phê rang xay…

Mấy năm trước, Y Pốt tốt nghiệp y sĩ Trường CĐ Y dược Đà Nẵng rồi học thêm chuyên tu, vào làm việc tại một số bệnh viện.

“Đầu năm 2019, tôi nghỉ việc ở bệnh viện về mở xưởng làm cà phê vì thích kinh doanh. Mấy tháng đầu, cha mẹ giận, không nói chuyện”, Y Pốt nhớ lại. Để khởi nghiệp, ngoài 1,5 ha cà phê của gia đình, Y Pốt còn “rủ rê” bà con xóm giềng làm cà phê hữu cơ, hạn chế thuốc trừ sâu, phân hóa học nhằm tạo vùng nguyên liệu sạch…

Y Pốt (người đeo kính) tham gia lựa hạt cà phê cùng bà con

Tháng 8.2019, Y Pốt thành lập Công ty TNHH Ê Đê Café, trụ sở ngay tại nhà mình. Tuy nhiên, do ít vốn, Y Pốt phải sản xuất cà phê theo kiểu rang xay thủ công, không đáp ứng kịp nhu cầu của nhiều đơn hàng lớn. Hơn thế, khởi nghiệp không lâu thì đại dịch Covid-19 bùng phát, khó tìm đầu ra cho sản phẩm. Có thời gian, Y Pốt gần như trắng tay, muốn buông bỏ. Thế rồi nghĩ lại, Y Pốt biết nếu không tự đứng lên thì cũng không ai giúp đỡ nên xốc lại tinh thần, tiếp tục hành trình khởi nghiệp.

“Trong thời gian dịch, tôi đẩy mạnh kinh doanh trực tuyến, phát triển quảng bá sản phẩm trên không gian mạng. Đồng thời, học hỏi tìm ra công thức hoàn thiện nhất cho sản phẩm cà phê của mình”, Y Pốt bộc bạch.

“Chuẩn” từng hạt cà phê

Khi dịch Covid-19 được kiểm soát, Y Pốt vay mượn thêm vốn, mua máy rang xay, máy sàng hạt, tuyển thêm nhân công để đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, chế biến cà phê.

Chàng trai này cũng nhiều chuyến xuôi ngược “cõng” cà phê đi dự các triển lãm, hội chợ để trưng bày, giới thiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm của mình. Dần dà, cà phê của Y Pốt được nhiều người biết đến, yêu thích và có những phản hồi tích cực. Hiện công ty của Y Pốt cho ra khoảng 4 dòng sản phẩm cà phê chính với giá cả từ 200.000 đến 1 triệu đồng/kg. Mỗi tháng, Y Pốt có hàng trăm đơn hàng, xuất đi trong và ngoài tỉnh khoảng 3 tấn cà phê bột, 5 tấn cà phê hạt rang, doanh thu hơn trăm triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho 8 lao động địa phương. Ngoài ra, có hàng chục hộ dân tham gia liên kết trồng hơn 50 ha cà phê theo hướng hữu cơ tạo vùng nguyên liệu cho công ty của Y Pốt.

Cuối năm 2021, sản phẩm cà phê Robusta của Y Pốt được UBND tỉnh Đắk Lắk công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và cấp giấy chứng nhận OCOP 4 sao. Năm 2022, Y Pốt vinh dự được T.Ư Hội Nông dân VN công nhận là Nông dân VN xuất sắc. Ngoài ra, Y Pốt còn được Tỉnh đoàn Đắk Lắk tặng bằng khen là thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu…

Chị H’Lidi Bkrông (29 tuổi), một hộ dân ở buôn Kla có 1,5 ha cà phê liên kết với công ty của Y Pốt, cho biết liên kết thì khi thu hoạch không hái đại trà như trước mà phải lựa quả chín. “Tuy vậy, nhờ liên kết mà công ty hướng dẫn mình chăm sóc cà phê theo hình thức hữu cơ nên giảm chi phí đầu vào nhưng vẫn đảm bảo sản lượng, đầu ra lại ổn định, giá cao hơn thị trường”, chị H’Lidi tâm đắc.

Theo Y Pốt, anh muốn gửi đến khách hàng của mình sản phẩm cà phê chất lượng tốt nhất; do đó, ngoài xây dựng vùng nguyên liệu sạch, anh còn khắt khe cả trong khâu thu hoạch, lựa chọn kỹ càng hạt cà phê đầu vào.

“Tôi yêu cầu bà con phải hái quả cà phê chín tuyệt đối 100%. Sau khi phơi, tôi sẽ cho lên máy để sàng hạt, lựa chọn hạt kích cỡ chuẩn, kế đó là cho sàng thủ công để loại bỏ hoàn toàn tạp chất. Biết là kỳ công nhưng mình làm chắc, chất lượng thì mới bền lâu được”, Y Pốt trao đổi.

Ông Y Jú Apuốt, Chủ tịch UBND xã Đray Sáp, nhận xét: “Y Pốt là một gương thanh niên điển hình tại địa phương trong phong trào khởi nghiệp. Sản phẩm cà phê của Y Pốt được tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã 1 sản phẩm) 4 sao, là niềm tự hào của xã nhà. Hơn thế, Y Pốt còn tạo được công ăn việc làm cho nhiều bà con trong buôn làng”.

Theo Báo Thanh Niên 

Share