Khởi nghiệp ấn tượng của FedEx, KFC, Honda và Lamborghini sẽ khiến bạn bật cười :)
Coffee.org.vn – Nhìn vào những tập đoàn, công ty hùng mạnh, chúng ta thường tự hỏi: Khi bắt đầu họ có gì trong tay? Vốn, ý tưởng đột phá, đội ngũ xuất chúng? Và điều gì dẫn dắt họ qua những khó khăn và đạt được thành công như ngày hôm nay. Những câu chuyện khởi nghiệp dưới đây sẽ phần nào giúp chúng ta giải đáp được câu hỏi của mình.
1. Fred Smith – Federal Express
Năm 1965, khi còn là sinh viên trường Đại học Yale, chàng sinh viên Fred Smith đã viết một bài luận văn trong đó đưa ra ý tưởng thành lập một công ty chuyển phát nhanh những gói bưu kiện nhỏ, đồ dùng thiết yếu bằng máy bay chuyên chở. Ở thời điểm đó, người ta vẫn vận chuyển những khối hàng lớn bằng tàu hỏa hay máy bay dân dụng. Bài luận đó chỉ được điểm C nhưng chàng sinh viên không từ bỏ ước mơ. Năm 1971, công ty chuyển phát nhanh FedEx ra đời.
Sau 3 năm hoạt động, công ty đối mặt với nhiều khó khăn, thậm chí có lúc đứng trên bờ vực phá sản. Khi giá nhiên liệu tăng cao, FedEx chịu lỗ 1 triệu USD/tháng. Ngân quỹ công ty chỉ còn lại đúng 5,000 USD. Smith hỏi vay vốn của tập đoàn General Dynamics. Tuy nhiên, họ từ chối lời đề nghị này.
Những người bình thường sẽ bỏ cuộc, đóng cửa công ty. Nhưng Fred Smith thì không. Điều ông làm nghe có vẻ hơi điên rồ. Ông cầm theo số tiền cuối cùng còn sót trong ngân quỹ công ty và bay thẳng đến Las Vegas vào cuối tuần, đặt tất cả vào trò Black Jack. Sáng thứ 2, thủ quỹ FedEx kiểm tra và thấy ngân quỹ đã tăng lên 32.000 USD. Số tiền đó chỉ đủ để cung cấp nhiên liệu cho đội máy bay và tiếp tục duy trì hoạt động của công ty thêm vài ngày.
Nhưng kể từ ngày đó, FedEx không ngừng phát triển. Ngày nay, FedEx là “người khổng lồ toàn cầu” trong lĩnh vực chuyển phát nhanh. FedEx hiện có mặt ở 220 quốc gia và vùng lãng thổ với doanh thu hàng năm lên đến 45 tỷ USD.
2. Ferrucio Lamborghini – Lamborghini
Vốn xuất thân là một nông dân, Ferrucio chuyển sang kinh doanh máy kéo và nhanh chóng trở nên giàu có. Ông sở hữu nhiều chiếc xe đắt tiền, trong đó có chiếc Ferrari nổi tiếng. Nhưng ông không thấy thoải mái mỗi khi lái nó. Là một thợ máy, ông thử xem xét cấu tạo chiếc xe và nhanh chóng nhận ra lỗi nằm ở bộ ly hợp. Ở tốc độ bình thường, mọi chuyện đều êm ả. Nhưng đến khi tăng tốc, bộ ly hợp bị trượt dưới vận tốc lớn, làm giảm hiệu suất của xe.
Ngay sau đó, ông mang chiếc xe của mình đến hãng. Nhân viên đưa chiếc xe vào gara và xem xét trong vòng vài tiếng đồng hồ rồi trả lại. Nhưng lần nào cũng vậy, khi đem xe về, Ferrucio nhận ra, họ không thể nào sửa chữa dứt điểm được lỗi đó. Cuối cùng, ông đến tìm Enzo Ferrari, cha đẻ của những chiếc Ferrari nổi tiếng.
Bực mình vì phải đợi chờ hàng tiếng đồng hồ, Ferrucio nói luôn khi thấy mặt Enzo Ferrari: “Thưa ông Ferrari, những chiếc xe của ông chỉ là thứ bỏ đi”. Ông hoàng ngành xe đua Italia điên tiết: “Một kẻ chỉ biết lái máy kéo như anh, thì điều khiển làm sao được 1 chiếc Ferrari đúng cách”. Ra về, Ferrucio thề, mình sẽ làm một chiếc xe hoàn hảo, chiếc xe của riêng ông. Và ông sẽ đặt tên nó là Lamborghini.
3. Colonel Sanders – Kentucky Fried Chicken
Ở tuổi 65, ngài Đại tá về hưu Sanders hoàn toàn khánh kiệt: một căn nhà nhỏ, một chiếc xe cũ nát. Cầm số tiền trợ cấp 99 USD trên tay, ông tự nhủ: “Mình phải thay đổi? Nhưng làm gì? Ý tưởng duy nhất đến trong đầu ông: Món gà ông vẫn làm được bạn bè rất thích”.
Ông rời bỏ quê nhà ở Kentucky, bắt đầu hành trình khắp nước Mỹ nhằm bán ý tưởng. Ông đến các nhà hàng, thuyết phục họ làm món gà theo công thức của ông, đổi lại, ông chỉ nhận một khoản nhỏ trích từ doanh thu. Hết lần này đến lần khác, người ta từ chối ông. Hơn 1.000 lần từ chối, hơn 1.000 cái lắc đầu.
Cuối cùng, vận may mỉm cười, lời đề nghị của ông đã được chấp nhận. Ông nhanh chóng đăng ký bản quyền cho công thức chế biến. Kể từ đó, thói quen ăn uống của cả thế giới đã thay đổi. Ngày nay, nhìn khuôn mặt tươi cười ngài đại tá trên bảng hiệu KFC ở các nhà hàng trung tâm trên toàn thế giới, người ta khó hình dung được đằng sau nó là một câu chuyện rất dài.
4. Soichiro Honda – Honda Motor Co.
Soichiro Honda là thợ máy tại một ga ra với nhiệm vụ kiểm tra, chuẩn bị xe trước mỗi cuộc đua. Năm 1937, ông thành lập công ty Tokai Seiki, chuyên cung cấp vòng bạc piston.
Công ty nhanh chóng giành được hợp đồng cung cấp vòng bạc piston cho hãng xe danh tiếng – Toyota. Nhưng bản hợp đồng bị hủy do chất lượng sản phẩm mà Honda làm ra không đạt tiêu chuẩn. Không nản lòng, ông bỏ thời gian nghiên cứu quy trình kiểm tra chất lượng của Toyota. Và năm 1941, Honda giành lại vị thế nhà cung cấp vòng bạc piston tiêu chuẩn trên quy mô lớn cho Toyota.
Sau khởi đầu đầy thuận lợi, nhiều biến cố liên tiếp xảy ra. Toyota nắm giữ 40 % cổ phần trong công ty của Honda và Honda bất ngờ bị giáng chức từ chủ tịch xuống làm giám đốc quản lý cấp cao. Mọi dự án của ông cũng bị chôn vùi trong 2 vụ ném bom xuống Nhật Bản năm 1944. Honda quyết định bán toàn bộ công ty cho Toyota và thành lập Viện nghiên cứu Kỹ thuật Honda tháng 10/1946.
Một lần nữa, ông bắt đầu lại từ đầu, với 12 nhân viên. Họ cùng nhau phát triển những mẫu xe đạp gắn động cơ xăng dầu đầu tiên bằng cách dùng động cơ Tohatsu lắp vào những chiếc xe đạp thông thường. Sau một thời gian ngắn, Honda nhanh chóng vươn lên trở thành nhà sản xuất mô tô lớn nhất thế giới năm 1954.
Công ty Honda sau đó cũng sản xuất dòng xe tải nhỏ và cuối cùng, bước chân vào thế giới ô tô. Kể từ đó đến nay, Honda là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với người khổng lồ Toyota.
Theo Trí thức trẻ/Yourstory/CafeF
http://cafef.vn/cau-chuyen-khoi-nghiep-an-tuong-cua-fedex-kfc-honda-va-lamborghini-se-khien-ban-bat-cuoi-nhung-khong-bao-gio-bo-cuoc-2016090116054927.chn