Câu chuyện khởi nghiệpNông dân cà phêTrồng & Sơ chế

Người xác lập vị thế cà phê Organic

Share

Bỏ nghề kỹ sư cầu đường, anh Lê Văn Vương rẽ ngang sang làm cà phê hữu cơ. Thành công của anh không chỉ tạo ra 35 vị cà phê, các sản phẩm trà hoa cà phê, vỏ quả cà phê, vang cà phê, sản phẩm làm đẹp, mà còn là sự quyết tâm tạo đột phá thay đổi tư duy sản xuất để nâng cao giá trị hạt cà phê…

 

Anh Vương đi thăm rẫy cà phê.

“Tay ngang” làm cà phê

Dẫn chúng tôi trải nghiệm vườn cà phê hữu cơ trĩu cành, chín đỏ giữa mùa thu hoạch, anh Lê Văn Vương (sinh năm 1984 ở TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) bảo, “cà phê đã làm thay đổi cuộc đời tôi, cho tôi những cảm nhận tinh tế về thức uống cả thế giới ưa chuộng này”.

Sinh ra và lớn lên ở làng quê tỉnh Thanh Hóa gắn với ruộng đồng. Năm 12 tuổi Vương theo gia đình vào Đắk Lắk lập nghiệp. Cảnh tượng những rẫy cà phê bạt ngàn, xanh mướt tạo ấn tượng mạnh đến tâm trí anh. Vừa đi học vừa phụ gia đình trồng, chăm sóc cà phê, anh càng yêu vùng đất đỏ bazan, yêu hương hoa cà phê thơm nồng, yêu vị ngọt quả cà phê chín.

Rời nương rẫy xuống TP. Hồ Chí Minh học và làm công việc của một kỹ sư xây dựng, ngược xuôi với các dự án cầu đường gần 5 năm. Sau những vấp ngã, thất bại, chợt thèm cảm giác đứng giữa vườn cà phê bạt ngàn, nhớ mùi hương của hoa, nhớ vị ngọt của quả chín, Vương quyết định trở về Đắk Lắk làm lại từ đầu với cà phê.

Để có nhiều cơ hội tìm hiểu, nghiên cứu, thâm nhập thị trường ngành hàng cà phê, Vương xin vào làm việc tại một số công ty cà phê ở TP. Buôn Ma Thuột và ươm mầm ý tưởng tạo ra một hãng cà phê riêng cho mình. Năm 2015, Vương quyết định thành lập Công ty TNHH sản xuất và thương mại Vương Thành Công, chuyên thu mua và chế biến, sản xuất cà phê thương mại. Mở rộng thị trường, Vương mở quán cà phê ở TP. Hồ Chí Minh.

Nghiên cứu sâu hơn về sản phẩm cà phê, Vương luôn lắng nghe những chia sẻ, góp ý của mọi người. Câu chuyện của một Tiến sĩ nông nghiệp ở Sài Gòn và một số Việt kiều Pháp, Mỹ về nông nghiệp hữu cơ mà thế giới đang hướng tới, đã mở cho anh hướng đi mới sản xuất cà phê hữu cơ. Một sản phẩm sạch, tốt cho sức khỏe và thân thiện với môi trường.

“Tôi xác định đây là hướng đi riêng, chủ đạo của Công ty Vương Thành Công. Để có sản phẩm cà phê sạch trước hết phải có vùng nguyên liệu sạch, muốn có vùng nguyên liệu sạch thì phải quản lý được đầu vào, từ bỏ thói quen dùng phân bón hóa học”, Vương nói.

Bắt tay thực hiện ý tưởng, Vương thử nghiệm cải tạo 1,4ha cà phê hữu cơ tại rẫy của gia đình ở xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột. Ban đầu, người dân quanh vùng không tin tưởng cách làm này. Nhưng sau 1 năm, anh Vương đã chứng minh cho mọi người thấy được, việc chuyển đổi sang trồng cà phê hữu cơ không làm giảm sản lượng. Đặc biệt, cây cà phê hữu cơ xanh, khỏe mạnh, tốt hơn, đồng thời nhân cà phê thu hoạch giá cao hơn 40%.

Bằng thực tế, nhiều người dân tin tưởng chủ động liên kết với công ty của Vương sản xuất cà phê hữu cơ. Theo anh Vương, khi tham gia chuỗi kiên kết với công ty, người dân được hướng dẫn kỹ thuật, quy trình canh tác nếu năng suất thấp hơn Công ty sẽ bù thiệt hại. Bù lại, Công ty cam kết mua giá cao hơn thị trường từ 10.000 – 20.000 đồng/kg, nếu không uy tín tuân thủ các quy trình sẽ bị loại bỏ.

Với tiêu chí nâng cao giá trị hạt cà phê, anh Vương không chỉ thành công bằng phương pháp canh tác hữu cơ, mà còn quan trọng hơn đó là làm thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân. Đến nay, công ty đã liên kết với 11 hộ dân, 1 hợp tác xã để sản xuất cà phê hữu cơ với diện tích 40ha.

Các sản phẩm cà phê Vương Thành Công.

“Độc tôn” vị thế cà phê Organic

Thực hiện nghiêm, tuân thủ đúng quy trình sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế, anh Lê Văn Vương là người sản xuất cà phê duy nhất ở Đắk Lắk được cấp chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam.

Anh Vương cho biết, tháng 2/2017, sản phẩm đầu tiên là cà phê mộc đặc biệt Vương Thành Công được ra mắt. Đây chính là thương hiệu riêng của Vương Thành Công.

Trên con đường chinh phục cà phê hữu cơ, Vương tiếp tục nghiên cứu và tạo ra nhiều sản phẩm cà phê cao cấp. Anh Vương chia sẻ: Mỗi lần lên rẫy thu hoạch cà phê, tôi đều chọn quả chín mọng ăn để thưởng thức vị ngọt từ vỏ quả cà phê chín. Nhiều lần như vậy tôi nảy ra ý tưởng chế biến vỏ quả cà phê chín thành trà cascara dùng để pha uống. Không ngờ ngay cả khi sấy khô vỏ cà phê vẫn có vị ngọt nhẹ, thanh và có mùi hương rất lạ nên được nhiều khách hàng sử dụng.

Không dừng lại, anh tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu làm rượu từ vỏ thịt quả cà phê. Rượu cà phê và vang cà phê ra đời. Ngoài ra, anh còn có sản phẩm trà hoa cà phê, sản phẩm làm đẹp từ cà phê. “Làm cà phê hữu cơ càng trải nghiệm càng thấy thú vị. Trà cà phê, trà hoa cà phê, rượu cà phê, vang cà phê được làm thủ công bằng cả trái tim. Mục đích cuối cùng của tôi là thực hiện khát vọng nâng cao giá trị cây cà phê, nâng tầm cà phê Việt”, anh Vương tâm sự.

Mong muốn chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm làm cà phê hữu cơ rộng rãi, anh Vương tranh thủ thời gian chia sẻ kiến thức cho các bạn trẻ khởi nghiệp. Thông qua những lớp học trực tiếp, qua zoom, zalo nhóm anh Vương truyền đến các bạn trẻ nguồn cảm hứng khởi nghiệp từ cây trồng chủ lực của vùng đất Tây Nguyên. Trao cho các bạn trẻ kiến thức cơ bản để khởi nghiệp thành công với ngành cà phê để từng bước đưa cà phê Việt lên tầm cao mới.

Dịch Covid-19 ập đến, việc kinh doanh bị ảnh hưởng không nhỏ, Vương linh hoạt chuyển đổi số đẩy mạnh bán hàng trên 5 sàn thương mại điện tử trong nước. Khép lại một năm đầy biến động, những ngày đầu năm mới 2022, anh Vương đón nhận niềm vui khi được trao giấy chứng nhận sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu.

Đặc biệt, đến thời điểm hiện tại, cà phê mộc đặc biệt Vương Thành Công là sản phẩm duy nhất của ngành hàng cà phê của tỉnh Đắk Lắk được thăng hạng OCOP 4 sao tháng 12/2020. Đó là niềm vui, động lực để Vương tiếp tục hành trình nâng tầm cà phê Việt./.

Theo Báo Dân tộc 

Share