Thị trườngThương hiệu

Kinh doanh theo chuỗi: Nhiều gai dưới thảm

Share

Nhiều thương hiệu đi lên từ kinh doanh theo chuỗi và phát triển mạnh. Tuy nhiên, cũng có không ít nhà đầu tư “đổ” hàng chục, hàng trăm tỷ đồng vào việc mở các chuỗi cửa hàng nhưng kết quả kinh doanh không được như ý, thậm chí phải thoái lui, rút khỏi lĩnh vực “màu mỡ” này.
Tiềm năng rộng mở

Theo các chuyên gia kinh tế, nhờ kết cấu dân số trẻ, năng động, thị trường tiêu dùng Việt Nam ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đồng nghĩa với việc tiềm năng cho mô hình kinh doanh theo chuỗi của Việt Nam còn rất “thênh thang”. Hiện nay, kinh doanh theo chuỗi tại Việt Nam cũng đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là những lĩnh vực tiềm năng như đồ điện tử, điện thoại, F&B, hàng tiêu dùng với các gương mặt tiêu biểu như Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh hay Trung Nguyên Coffee, The Coffee House…

Mô hình kinh doanh theo chuỗi có nhiều tiềm năng nhưng không ít rủi ro

Là một hình mẫu tiêu biểu trong kinh doanh chuỗi cà phê tại Việt Nam, The Coffee House là thương hiệu cà phê do Công ty Cổ phần Seedcom quản lý. Đây là một trong những startup được rót vốn bởi Quỹ đầu tư Seedcom thuộc sở hữu của ông Đinh Anh Huân – người đồng sáng lập Thế Giới Di Động. Chính thức có cửa hàng đầu tiên từ năm 2014, đến năm 2021, sau 7 năm hoạt động, The Coffee House đã có gần 180 cửa hàng tại 18 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tốc độ mở chuỗi cửa hàng của The Coffee House được giới kinh doanh F&B đánh giá là thần tốc.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, được tiếp sức từ nguồn vốn của các quỹ đầu tư, chính là con đường nhanh nhất để các doanh nghiệp kinh doanh theo chuỗi mở rộng quy mô cũng như sức ảnh hưởng của thương hiệu để chiếm lĩnh thị trường.

Nhanh chưa chắc đã thắng

Dù được xem là hình mẫu tiêu biểu trong kinh doanh chuỗi cà phê tại Việt Nam và có doanh thu khủng, tuy nhiên, sau khi trừ chi phí vận hành và quản lý doanh nghiệp, The Coffee House lại lỗ nặng. Cụ thể, theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2019, chuỗi đạt doanh thu 863 tỷ đồng, tăng gần 30%, tương đương tăng gần 200 tỷ đồng so với năm 2018. Tuy nhiên, đây lại là năm The Coffee House ghi nhận mức lỗ lên tới hơn 80 tỷ đồng.

Không chỉ lỗ nặng như The Coffee House, câu chuyện của chuỗi cửa hàng café The Kafe còn đáng tiếc hơn. Thương hiệu này phải đóng cửa hàng sau 3 năm hoạt động, kể từ khi gọi được dòng vốn trăm tỷ. Mở chuỗi một cách ồ ạt đôi khi lại chính là chiếc hố tự đào, khiến việc kinh doanh trở thành trào lưu. Đối với The Kafe, “điểm chết” kinh doanh nằm ở tốc độ mở quá nhanh so với nguồn lực.

Các chuyên gia cho rằng, cửa hàng mở theo chuỗi dù có tỷ suất lợi nhuận cao nhưng cũng khó tồn tại lâu dài. Bởi, mở một cửa hàng có thể có lợi nhuận nhưng mở nhiều cửa hàng cùng một lúc, chi phí hoạt động, thuê mặt bằng, khấu hao, lương nhân viên… lại là vấn đề lớn, càng mở nhiều càng lỗ. Điều đó đòi hỏi phải có chiến lược kinh doanh đúng đắn.

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh, để kinh doanh theo chuỗi thành công và bền vững, công tác quản trị phải thực hiện nghiêm túc, công khai minh bạch, luôn công bố đầy đủ, chính xác các thông tin và tình hình kinh doanh để các nhà đầu tư biết. Để gia tăng sự nhận biết thương hiệu và khả năng cạnh tranh trên thị trường, vốn và thời gian đầu tư cho chuỗi cần rất lớn. Điều này đòi hỏi nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ càng trước khi tham gia đầu tư, từ đó gia tăng doanh số và lợi nhuận, giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh.

Theo Báo Công Thương

Share