Làm “nông nghiệp từ thiện” đến bao giờ?
Giải cứu nông sản, làm nông nghiệp kiểu “từ thiện”, tháo gỡ hạn điền trong Luật Đất đai,… là những vấn đề nóng trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn được các đại biểu đề cập đến trong phiến thảo luận sáng 25/5.
Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (đoàn Cần Thơ) nêu quan điểm, mặc dù nông nghiệp năm 2017 đã có tăng trưởng tốt, đạt 2,9% và so với năm 2016 là 1,36%. Kim ngạch xuất khẩu hơn 36 tỷ USD, đặc biệt là nhiều ngành hàng mới được xuất khẩu đạt kim ngạch cao. Tuy vậy, làm nông nghiệp vẫn còn nhiều nỗi lo, đó là chưa tạo được sự gắn kết hiệu quả giữa hoạt động sản xuất nông nghiệp và nhu cầu thị trường. Công tác dự báo thị trường chưa đáp ứng yêu cầu.
Hệ thống phân phối chưa đồng bộ và hiệu quả. Thương hiệu nông sản xây dựng quá chậm. Các nước nhập khẩu luôn áp đặt các hàng rào kỹ thuật gây khó cho sản phẩm của nước ta. Tất cả những yếu kém này làm người sản xuất nông nghiệp luôn trong tâm trạng bất an, lo lắng.
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng: Các cuộc giải cứu nông sản gần như năm nào cũng tái diễn, từ giải cứu thịt heo đến dưa hấu, mía đường, khoai lang, thanh long và gần đây là củ cải, ớt, v.v… khiến hàng vạn nông dân lao đao, thậm chí phá sản.
Để không còn câu chuyện nông nghiệp giải cứu, nông nghiệp từ thiện, đại biểu Phạm Văn Hòa kiến nghị, cần phải hiện thực hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ từ chuyện chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Trong đó, hướng tới xây dựng chuỗi ngành hàng nông sản. Tuy nhiên, để chuyển được tuy duy như vậy không phải một hai mùa vụ mà có thể triển khai được hoặc tự phát ở nơi riêng lẻ, ở từng địa phương, từng ngành hàng nông sản mà rất cần một hệ thống chính sách hỗ trợ cho công nghệ bảo quản, chế biến, thương mại hóa sản phẩm, kết nối thị trường. Muốn vậy, cần phải đổi mới công tác khuyến nông theo hướng không chỉ hỗ trợ kỹ thuật về tăng sản lượng mà hỗ trợ người sản xuất tiếp cận với thông tin thị trường, công nghệ bảo quản chế biến nông sản và phát triển thị trường.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến các cuộc giải cứu, phải trông đợi vào sự “từ thiện” là do sản xuất manh mún, mạnh ai lấy làm, công tác dự báo thị trường chưa tốt, chưa sát với tình hình thực tế. Theo đại biểu Lưu Thành Công (Vĩnh Long) kiến nghị, làm sao phải rà soát, xây dựng tốt quy hoạch sản xuất của từng vùng và có cơ chế để giám sát việc thực hiện quy hoạch đó. Bộ NN&PTNT cũng phải có giải pháp đối với những sản phẩm nông sản chủ lực không xuất khẩu được thì phải làm thế nào, không thể cứ kêu gọi giải cứu như hiện nay.
Một vấn đề nữa được ông Lưu Thành Công đề cập đó là, việc khống chế mức hạn điền trong Điều 129 Luật Đất đai là rào cản làm ảnh hưởng lớn đến việc tích tụ ruộng đất để tạo ra những vùng chuyên canh lớn trong sản xuất nông nghiệp. Khi xây dựng đề án cơ cấu lại nền nông nghiệp, Chính phủ và các ngành chức năng đã thấy vấn đề này. Nhưng đến nay Chính phủ vẫn chưa có ý kiến gì đề xuất Quốc hội xem xét, sửa đổi Điều 129 Luật Đất đai.
Trong khi đó, thực tiễn đòi hỏi phải bỏ mức hạn điền mới có thể tích tụ ruộng đất, hình thành nền sản xuất lớn một cách hợp pháp. Hiện nay để không vi phạm pháp luật, nhiều doanh nghiệp và nông dân đã có nhiều cách tích tụ ruộng đất khác nhau như nhờ ủy ban nhân dân xã, nhờ các hợp tác xã đứng ra thuê đất, sau đó giao lại cho doanh nghiệp. Nhiều nông dân đã tích tụ được hàng trăm hécta đất nhưng phải nhờ bạn bè, người thân đứng tên. Những hình thức này không sai quy định của pháp luật, nhưng nguy cơ tranh chấp rất dễ xảy ra làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Cử tri mong Chính phủ sớm trình Quốc hội xem xét sửa đổi một số nội dung trong Luật Đất đai cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay.
“Đã đến lúc phải sửa đổi Luật Đất đai cho phù hợp, không tích tụ đất đai đừng mong sản xuất lớn”, ông Lưu Thành Công nói.
http://baocongthuong.com.vn/lam-nong-nghiep-tu-thien-den-bao-gio.html