Lịch sử phát triển của cây cà phê Robusta Việt Nam
Mô hình canh tác cây cà phê Robusta Việt Nam là một thành công, không chỉ vì quy mô của ngành, mà còn qua tốc độ tăng trưởng vượt bật chỉ từ một khởi đầu khiêm tốn. Trong một phần tư thế kỷ, từ năm 1990 – 2015, sản lượng cà phê ở Việt Nam tăng từ 92 nghìn tấn lên 1.6 triệu tấn, và đạt 1.8 triệu tấn vào năm 2019. Việt Nam hiện là nước sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới và là nhà sản xuất cà phê vối lớn nhất (40% tổng sản lượng Robusta) và đóng góp khoảng 10% tổng lượng cà phê toàn cầu.
Việt Nam đã phát triển một mô hình độc canh Robusta rất thành công. Với năng suất cao là chìa khóa cho lợi nhuận, vì Robusta là một loại cây trồng tương đối đơn giản và mang về giá trị thấp (so với Arabica).
Nghiên cứu này tập trung vào cà phê Robusta vì nó chiếm 95% sản lượng cà phê ở Việt Nam. Bắt đầu từ năm 2006, nhà nước đã nỗ lực tái cân bằng sản xuất Arabica và Robusta với các chương trình tăng diện tích trồng Arabica. Tuy nhiên, sản xuất arabica có một số đặc điểm riêng khiến nó trở nên phức tạp hơn và vì vậy, cà phê Arabica sẽ không được đề cập chi tiết trong bài viết này.
Ngành cà phê Việt Nam – mà chính xác hơn là cây cà phê Vối đã vươn lên trong một thời gian rất ngắn. Thành công vượt bật này đòi hỏi tập trung vào một số mục tiêu nhất định. Trong đó bốn yếu tố chính làm nên sức bật cho cây cà phê Robusta Việt Nam là: con người, chính sách, tài nguyên và phương thức canh tác. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu từng yếu tố này đã đóng góp như thế nào vào sự phát triển của ngành công nghiệp cà phê Việt Nam.
Cuộc di cư tới vùng “Kinh tế mới”
Nền tảng của sự phát triển cà phê ở Việt Nam có thể bắt đầu từ các chương trình di cư do nhà nước thực hiện sau khi thống nhất vào cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980 để giải quyết tình trạng thất nghiệp và bất ổn xã hội. Các vùng kinh tế mới được thành lập và khuyến khích người dân di chuyển từ các khu vực đông dân cư như Đồng bằng sông Cửu Long ở phía nam, Đồng bằng sông Hồng ở phía bắc và các thành phố lớn, đến khu vực dân cư thưa thớt như các tỉnh Tây Nguyên.
Các khu kinh tế mới đã mang lại lợi ích ‘ổn định’ các khu vực vùng cao do các dân tộc thiểu số chiếm ưu thế – vì đa phần nhập cư là những người lính xuất ngũ từ miền bắc – Theo Anthony Marsh
Di cư có tổ chức và tự do từ các vùng khác đến khu vực giàu tài nguyên của Tây Nguyên đã được nhà nước khuyến khích. Dân số Tây Nguyên tăng từ 1,5 triệu năm 1975 lên 4,2 triệu vào năm 2000.
Ban đầu, cà phê không phải là trọng tâm chính cho các chương trình tái định cư trong những năm 1970 và 1980. Tuy nhiên vào cuối những năm 1980, chính phủ đã hiểu rõ hơn về khả năng sản xuất cà phê. Năm 1975, các dân tộc thiểu số bản địa như Ê-đê và H’Mong chiếm 48% dân số của Đắk Lắk với khoảng 350.000 người. Đến năm 1997, các nhóm dân tộc thiểu số bản địa tại chỗ chỉ chiếm 20% trong tổng số 1,5 triệu dân của tỉnh với những người di cư mới (dân tộc Kinh) chiếm khoảng 70%.
Chính sách và thể chế của nhà nước
Chính sách hỗ trợ và trợ cấp đã khởi xướng ngành công nghiệp cà phê thông qua các hệ thống canh tác tập thể trong cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980. Khi cơ chế này tỏ ra hạn chế tăng trưởng, chính sách đổi mới trong cuối những năm 1980 và 1990 đã thông qua tự do hóa thị trường và cải cách đất đai, cho phép nông dân mở rộng ngành công nghiệp và gặt hái nhiều lợi ích hơn.
Sau khi thống nhất, ngành cà phê Việt Nam được thiết lập lại, các tổ chức nhà nước lấp đầy mọi ngóc ngách của chuỗi sản xuất từ trang trại đến thị trường. Trong khi việc sản xuất từ các hợp tác xã cà phê nhà nước chủ yếu được sử dụng để trao đổi hàng hóa với các nước cộng sản, thì đồng thời nó đã cung cấp một cơ sở thử nghiệm tốt để hình thành ngành công nghiệp cà phê, phát triển nền tảng kiến thức và hiểu biết về sản xuất cà phê Robusta. Vào giữa những năm 1980, sản lượng cà phê đã đạt 30.000 tấn và bao phủ khoảng 40.000 ha. Tuy nhiên, năng suất bình quân vẫn ở mức thấp.
Vai trò của các chính sách nhà nước
Chìa khóa thành công của các chính sách là sự đáp ứng của nhà nước để thay đổi và thích ứng với các lực lượng thị trường. Trong suốt quá trình phát triển của ngành cà phê, nhà nước ta đã cung cấp các thành phần chính cho sự phát triển của ngành cà phê, đó là:
Khuyến khích nông nghiệp: Chuyển từ mô hình canh tác tập thể sang nền kinh tế thị trường cho phép lợi nhuận thu được chảy về nông dân.
Tiếp cận vốn: Cải cách đất đai đã tạo cơ sở tài sản cho nông dân tiếp cận nguồn tài chính để đầu tư mở rộng canh tác cà phê. Hệ thống ngân hàng nông nghiệp đã giúp thực hiện điều này, với các khoản vay dài hạn trong thời gian cà phê mất giá.
Cơ sở sản xuất: Cở vật tư sản xuất nông nghiệp được đảm bảo, ban đầu từ phân bón sản xuất trong nước, nhưng đã tăng lên nhập khẩu quy mô lớn vào những thời điểm quan trọng để hỗ trợ tăng trưởng của ngành.
Kỹ thuật canh tác: Các mô hình cải tiến, tăng gia sản xuất đã được phát triển ở các nông trường quốc doanh và những mô hình này dần được cải thiện theo thời gian. Nông dân đã nắm bắt & áp dụng vào thực triển sản xuất thành công.
Tiếp cận thị trường: Các kênh tiếp thị được phát triển bởi các nông trường quốc doanh và các Doanh Nghiệp Nhà Nước (DNNN) tham gia xuất khẩu cà phê (dần dần khu vực tư nhân đã tiếp quản họ).
Nhà nước ta đã sử dụng quyền hạn và thể chế chính sách để cung cấp tín hiệu cho nông dân, đồng thời đề ra mục tiêu để duy trì tốc độ phát triển ngành cà phê
Cùng với vai trò quyết định của chính phủ trong việc phát triển cà phê thông qua chính sách và lập kế hoạch, các tổ chức công là thiết yếu đối với sự phát tiển của ngành cà phê. Ban đầu chính phủ thành lập các Doanh Nghiệp Nhà Nước đảm nhận tất cả các vai trò trong ngành như sản xuất cà phê, cung cấp vật tư sản xuất, tín dụng nông thôn, sản xuất – chế biến, tiếp thị và xuất khẩu. Quá trình này đã cho phép ngành cà phê phát triển và ổn định dưới sự hướng dẫn của nhà nước. Theo thời gian, các tổ chức này đã dần dần được tự do hóa và nhiều công ty đã được chuyển sang khu vực tư nhân
Chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường
Sự chuyển dịch từ sản xuất công sang sản xuất tư nhân cũng đồng thời với sự thay đổi lớn trong các lĩnh vực chính sách khác như cải cách ruộng đất. Những cải cách này đã được phê chuẩn trong hội nghị quan trọng của đảng năm 1986 và được gọi là “Công cuộc đổi mới”. Đó là sự chuyển dần từ hệ thống hợp tác xã, hạn ngạch của nhà nước với năng suất thấp, sang một hệ thống trao quyền cho nông dân. Nó cũng cho phép khu vực tư nhân tham gia vào ngành cà phê. Tại thời điểm này, nông dân không còn bị hạn chế bởi hạn ngạch sản xuất và có thể hưởng lợi từ một thị trường tự do và tự do hơn.
Từ những năm 1980, năng suất từ hệ thống nông xã tuột dốc, nên nhà nước ta đã bắt đầu một lộ trình bãi bỏ quy định từng bước và tự do hóa ngành cà phê
Việc bãi bỏ quy định hạn chế nhập khẩu vào năm 1991 đã cho phép giá phân bón hóa học giảm 50% trong vài năm sau đó. Qua đó, nông dân chuyển từ phân hữu cơ truyền thống sang phân bón hóa học nhập khẩu, làm tăng sản lượng trong suốt những năm 1990.
Nhà nước đã tạo ra các động lực khuyến khích nông dân chuyển sang cây trồng xuất khẩu như cà phê, bằng cách duy trì các biện pháp kiểm soát giá lương thực. Lúa gạo được kiểm soát mạnh về giá nên nông dân chuyển sang các lĩnh vực không kiểm soát được như cà phê.
Luật đất đai được sửa đổi vào năm 1993 đã cho phép nông dân được mua bán, thừa kế và sử dụng làm tài sản thế chấp (mặc dù quyền sở hữu thực tế vẫn thuộc về nhà nước). Sự thay đổi đơn giản này đã tạo động lực cho nông dân sản xuất vì nông dân đã có quyền sở hữu trên đất của mình và có quyền kiểm soát đầu ra của nông sản.
Cung cấp tài chính cho ngành cà phê đóng vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng của ngành. Nhà nước đã cung cấp một lượng lớn các khoản vay trong những năm tăng trưởng quan trọng và thậm chí đóng băng các khoản nợ lên đến 3 năm trong thời kỳ giá cà phê thấp từ năm 2000 đến năm 2004 thông qua tổ chức chính là VBARD*.
Điều kiện tự nhiên phù hợp cho cây cà phê Vối
Sự phát triển của cây cà phê Robusta ở Việt Nam được hỗ trợ bởi chất lượng đất đai cao, sẵn có để phát triển. Tây Nguyên cung cấp một diện tích lớn đất cao nguyên màu mỡ, hầu như được coi là “phiến đá sạch” để ngành cà phê phát triển.
Thổ nhưỡng Tây Nguyên phì nhiêu, rất thích hợp cho cây cà phê vối. Khu vực Tây Nguyên hai loại đất chính, đây là những loại đất sâu, bị phong hóa có nguồn gốc từ Bazan được mô tả là Đất xám Rhodic-Humic và Đất xám Acric. Đặc biệt, Rhodic-Humic có mật độ khối rất thấp và cho phép thấm nước cũng như thông khí tốt và lý tưởng cho các loại cây lâu năm có rễ tương đối nông như cà phê Robusta.
Điều kiện tự nhiên và khí hậu vùng Tây Nguyên, Việt Nam đã thõa mãn ngành cà phê trên nhiều phương diện
Nguồn nước là yếu tố quyết định cho năng suất cao của nông dân trồng cà phê vối ở Việt Nam. Các loại đất bazan ở Tây Nguyên đã cung cấp cho vùng này một lượng lớn nước ngầm được bổ sung hàng năm nhờ các trận mưa gió mùa. Lượng mưa nói chung là đủ cho cà phê vối, nhưng phân bố không đều hàng năm (có nghĩa là cà phê vối cần phải tưới tiêu để đạt năng suất cao).
Các nghiên cứu ở tỉnh Đắk Lắk, nơi có diện tích trồng cà phê Robusrta lớn nhất nước và là nơi sản xuất 60% sản lượng cà phê ở Việt Nam, đã ước tính rằng cứ một hec-ta cà phê vối được trồng thì nhu cầu nước hàng năm là từ 500m3 đến 3000m3. Tuy nhiên, các nghiên cứu** – đã chứng minh rằng chỉ sử dụng 320 lít cho mỗi cây mỗi lần tưới, thay vì 600 lít đến 900 lít, là đủ để thúc đẩy quá trình ra hoa và nông dân đã tưới quá mức trung bình 230% – D’Haeze, & cộng sự
Khí hậu ở Tây Nguyên rất lý tưởng cho việc sản xuất cà phê vối. Khu vực này có khí hậu nhiệt đới ấm áp, chịu ảnh hưởng của gió mùa với mùa mưa và khô rõ rệt. Mùa khô thường kéo dài 4 tháng và kéo dài từ giữa tháng 12 cho đến giữa tháng 4. Trong suốt 8 tháng mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, lượng mưa trung bình hàng tháng là 200mm, lượng mưa trung bình hàng năm từ 1600 đến 1800mm. Nhiệt độ không khí trung bình hàng ngày ở các khu vực canh tác Robusta dao động giữa 18°C – 25°C.
Cà phê Robusta ‘thân thiện’ với nông dân Việt
Robusta là một loại cây trồng linh hoạt và dễ canh tác. Năng suất có thể được kiểm soát bằng cách thay đổi nguồn nước, phân bón và thực hành canh tác như cắt tỉa. Người nông dân Việt Nam đã áp dụng nhiều chiến lược thành công để tối đa hóa lợi nhuận từ Robusta.
Robusta Việt Nam ra hoa vào mùa khô, vì vậy cần tưới nhiều nước để phá vỡ giai đoạn ngủ của nụ hoa và kích thích ra hoa, đậu trái. Mức độ ra hoa phụ thuộc phần lớn vào khối lượng nước và số lần tưới nước được áp dụng trong mùa khô từ tháng 1 đến tháng 4. Sau khi thu hoạch vào tháng 12 và tháng 1, cây Robusta được cắt tỉa để tiếp nhận ánh sáng và giúp phát triển các vị trí mọc mầm mới. Nông dân sử dụng các biện pháp quản lý đầu vào (phân bón & nước tưới) nhằm tối đa hóa sản lượng khi giá Robusta có lãi. Họ có thể giảm đầu vào ít gây tổn hại cây cà phê Robusta (cây cà phê Arabica sẽ gặp vấn đề lớn nếu hệ thống canh tác thay đổi).
Nông dân Việt Nam đã phát triển các kỹ thuật canh tác để tăng khả năng ra hoa và đậu quả thông qua lượng nước lớn và lượng phân bón vào đúng thời điểm trong năm
Để làm trẻ hóa Robusta, cây chỉ cần cắt bỏ hệ tán và điều này cho phép nó phát triển trở lại mạnh mẽ với nước tưới và phân bón hợp lý. Cà phê Robusta có ít vấn đề về sâu bệnh – như cái tên “Robusta” của nó. Hơn nữa khâu chế biến cà phê Robusta rất đơn giản; nó có thể lưu trữ, vận chuyển trong thời gian dài mà đảm bảo không hư hỏng.
Kỹ thuật canh tác chuyên sâu
Ngành cà phê Robusta Việt Nam đã áp dụng một hệ thống sản xuất rất chuyên sâu. Trọng tâm của vấn đề này là sự hiểu biết về sinh lý học của Robusta. Có vẻ như không đáng kể, nhưng Việt Nam là một trong số ít quốc gia tưới cà phê vối một cách có hệ thống. Điều này bắt nguồn từ việc Robusta được trồng ở hầu hết các nước Đông Nam Á, nhưng lợi nhuận từ Robusta được coi là không đủ cao để đảm bảo sản xuất và tưới tiêu thâm canh. Trong khi đó, ngành công nghiệp nước ta lại có quan điểm rằng: Ngay cả một mặt hàng có giá trị thấp cũng có thể sinh lời nếu được phá triển chuyên sâu.
Các biện pháp tưới tiêu cân đối & việc sử dụng nhiều phân bón hóa học đã tạo ra năng suất cà phê đẳng cấp thế giới. Nhiều nông dân Việt Nam thực sự đạt trên 3,5 tấn /ha. Các nước láng giềng châu Á có năng suất cà phê Robusta bình quân thấp hơn nhiều như Indonesia 0,5 tấn/ha, Lào 0,4 tấn/ha và Thái Lan 0,8 tấn/ha.
Phân bố lượng mưa cân đối ở Tây Nguyên có thể đảm bảo đậu trái hợp lý, tuy nhiên do mùa khô trùng với thời điểm ra hoa và vì có nước tưới nên nông dân có thể khai thác điều này để tăng đậu trái (có một số chu kỳ tưới / để khô, nhằm làm tăng tỷ lệ đậu trái). Kết hợp với việc cắt tỉa khéo léo để tạo ra một cấu trúc cây tối đa hóa số lượng quả, diện tích lá, cùng với việc sử dụng nhiều phân bón đã tạo ra năng suất Robusta đẳng cấp thế giới.
Tài nguyên nước là yếu tố then chốt tạo nên thành công của ngành cà phê Việt Nam. Nhưng thực tế cho thấy nước ít được quan tâm để sử dụng một cách tiết kiệm & hiệu quả
Robusta được tưới bằng hệ thống vi lưu vực (micro-basin system). Nghĩa là xung quanh mỗi cây được xây đào một bồn tưới có kích thước 2,6m x 2,6m x sâu 0,2m (mật độ trồng 100 cây/ha với khoảng cách 3mx3m).. Nông dân sử dụng hệ thống máy bơm để cung cấp đến 900 lít cho mỗi cây. Việc tưới tiêu bắt đầu ở vùng Tây Nguyên vào khoảng nửa cuối tháng 1 và tiếp tục trong khoảng thời gian từ 20 đến 25 ngày, cho đến cuối mùa khô vào tháng Tư.
Kết luận và tầm nhìn
Việt Nam đã phát triển một mô hình độc canh Robusta rất thành công. Với năng suất cao là chìa khóa cho lợi nhuận. Sự thành công gắn với cây cà phê Robusta tập trung vào một số điểm chính nêu trên, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều yếu quan trọng khác như, hệ thống thu hoạch – chế biến, khâu tiếp thị – thương mại và vai trò của các tổ chức chính phủ,.. chưa được mô tả cụ thể. Do đó bạn đọc có thể tham khảo bản gốc để có được cái nhìn toàn diện hơn về sự phát triển của cây cà phê Robusta Việt Nam.
Việt Nam đã phát triển một hệ thống sản xuất Robusta khiến nó trở thành một trong những hệ thống thâm canh Robusta hiệu quả trên thế giới
Tăng trưởng của cây cà phê Robusta Việt Nam không phải là “miễn phí”, cả con người và môi trường. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra về sự tăng trưởng bền vững của ngành; Các nhóm dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên có hay không nhận được sự chia sẻ công bằng của về lợi ích kinh tế từ sự bùng nổ cà phê? Thêm nữa mất rừng, suy thoái đất và cạn kiệt nguồn nước do thâm canh cà phê là cũng là những vấn đề đáng quan tâm. Trên phạm vi toàn cầu, sự tăng trưởng ngoạn mục của Việt Nam đạt được bằng cách chiếm thị phần từ các nhà sản xuất khác, chủ yếu là các nước châu Phi, thay vì so với sự tăng trưởng trên thị trường.
Một số bài học dường như đã được rút ra về nguy cơ độc canh. Nhiều nông dân đang cố gắng đa dạng hóa cây trồng để giảm nguy cơ bị sốc giá cà phê do biến động thị trường. Các chiến lược dài hạn là cần thiết để có thể bảo vệ người nông dân về những điều không thể tránh khỏi biến động giá cà phê thế giới trong tương lai.
Chú thích & dẫn nguồn
Chú thích:
(**) Vietnam Bank for Agriculture and Rural Development (VBARD) tức Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam
(**) D’Haeze, & cộng sự | Đánh giá rủi ro khai thác nước ngầm để tưới cho cây Coffea Canephora ở đầu nguồn Ea Tul, Việt Nam.
Nguồn tham khảo:
Nội dung bài viết được trích từ Diversification by Smallholder Farmers:Viet Nam Robusta Coffee bởi Anthony Marsh; xuất bản bởi Tổ chức Nông lương của Liên hợp quốc (FAO). Bài báo trình bày một nghiên cứu điển hình về sự phát triển của ngành cà phê Robusta ở Việt Nam. Trong đó tập trung vào các yếu tố chính đã ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của phân ngành cũng như các khía cạnh xã hội và môi trường của sự tăng trưởng này.
Theo PrimeCoffee