Những điều có thể bạn chưa biết về loại đồ uống số một
Cà phê là loại đồ uống phổ biến nhất thế giới, nhưng sự gia tăng nhu cầu đang đe dọa hành tinh, khiến các nhà khoa học phải tìm kiếm cách sản xuất bền vững.
Những con số báo động
Nguyên nhân là do cà phê sau khi thu hái đều trải qua quá trình xay xát ướt, sử dụng một lượng nước ngọt đáng kể để xử lý bã và đãi rửa hạt. Sau đó, hạt cà phê được sấy khô, rang, vận chuyển và pha chế – mỗi quy trình đều sử dụng và tiêu tốn năng lượng.
Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế, trong 30 năm qua, nhu cầu tiêu thụ cà phê ngày càng tăng ở khắp nơi trên thế giới đã khiến sản lượng loại cây này tăng tới 60%, dẫn đến nạn phá rừng; sử dụng nhiều tài nguyên nước và năng lượng.
Bambi Semroc, Phó chủ tịch cấp cao của Trung tâm Đất và Nước bền vững tại tổ chức Bảo tồn quốc tế (Conservation International) dẫn báo cáo nghiên cứu cho thấy sản lượng cà phê tăng đang phá hủy hành tinh. Ví dụ như tại Brazil, nhà sản xuất cà phê lớn nhất thế giới, đã chứng kiến nạn phá rừng ở rừng nhiệt đới Amazon ở mức cao nhất trong 15 năm qua.
Ước tính đã có khoảng 13.235 cây số vuông rừng, tương đương với 2.429 sân bóng đá – đã bị biến mất chỉ trong giai đoạn từ tháng 8 năm 2020 đến tháng 7 năm 2021, tăng 22% so với một năm trước đó.
Theo Water Footprint Network, nền sản xuất cà phê cũng để lộ ra những vấn đề lớn về nước và năng lượng, với khoảng 140 lít nước cần thiết chỉ để sản xuất ra 125 mm cà phê, đồng thời dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Chỉ trong năm nay, Brazil đã trải qua những đợt băng giá và hạn hán vào tháng 6, khiến giá cà phê arabica chạm mức cao nhất trong 7 năm.
Các chuyên gia hàng hóa dự đoán rằng, giá cà phê sẽ tiếp tục tăng “với sự bất ổn hiện tại của thị trường toàn cầu cũng như những bất trắc xung quanh sản lượng năm tới của các nhà sản xuất cà phê lớn như Brazil, Việt Nam và Colombia”.
Cà phê trong phòng thí nghiệm
Hiện các nhà khoa học Phần Lan đang cố gắng tìm ra một giải pháp thay thế bền vững, bằng cách sản xuất cà phê thế hệ mới trong phòng thí nghiệm nhưng công nghệ sản xuất rất tốn kém.
Theo đó, các trung tâm nghiên cứu của Phần Lan đã sản xuất thành công các tế bào cà phê trong lò phản ứng sinh học (bioreactor) trong nỗ lực để làm cho sản xuất cà phê thân thiện hơn với môi trường.
Cà phê được trồng trong phòng thí nghiệm của Phần Lan có thể loại bỏ nạn phá rừng và quá trình này tiêu tốn lượng nước thấp hơn nhiều do các nhà khoa học có thể sử dụng nước tái chế. Ngoài ra, một ưu điểm khác là cà phê có thể được sản xuất mọi lúc trong điều kiện nhiệt độ, ánh sáng và oxy được kiểm soát, loại bỏ sự bất ổn về nguồn cung trong ngành.
Heiko Rischer, người đứng đầu bộ phận công nghệ sinh học thực vật tại viện nghiên cứu Phần Lan cho biết: “Chúng tôi không phải là nhà sản xuất cà phê nhưng muốn hợp tác và làm việc với các bên có chuyên môn và tầm nhìn để đưa sản phẩm này ra thị trường”.
Ông Rischer nói thêm, công nghệ mới cũng loại bỏ quy trình vận chuyển cà phê rườm rà từ quốc gia xuất xứ đến quốc gia tiêu thụ và có tác động đến khả năng truy xuất nguồn gốc và tính minh bạch của quy trình. Đây cũng thường là một vấn đề lớn trong chuỗi cung ứng cà phê truyền thống.
“Chúng tôi không làm việc với hạt cà phê như một nguyên liệu ban đầu, mà thay vào đó là bột đông khô mà chúng tôi sản xuất trong phòng thí nghiệm”, ông Rischer chia sẻ.
Dự báo sáng kiến này của các nhà khoa học có thể mất tối thiểu 4 năm nữa mới nhận được sự phê duyệt theo quy định, nhưng hiện sản phẩm này đang thu hút sự quan tâm rất lớn ở Phần Lan, quốc gia tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới.
“Trước đây, chúng tôi từng chứng kiến sự phản kháng quyết liệt đối với thực phẩm biến đổi gen, nhưng hiện nay chúng tôi rất ngạc nhiên khi mọi người tỏ ra quan tâm đến việc mua và thưởng thức sản phẩm này, mặc dù giá của nó là xa xỉ”, ông Risches nói.
Cây cà phê đang bị bỏ rơi?
Thời gian qua, Tổ chức Nghiên cứu và Bảo tồn Cà phê Thế giới đã lên kế hoạch hành động nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về loại đồ uống này, bằng cách tăng sản lượng của các nông hộ quy mô nhỏ và cải thiện đầu tư vào các đồn điền hiện có.
“Nghiên cứu cà phê luôn là một ưu tiên xa vời khi mọi người vẫn thường chú trọng đến những vẫn đề cấp bách hơn … Nhiều quốc gia có thu nhập thấp đang chịu trách nhiệm cung cấp cà phê cho thế giới nhưng lại không thể đầu tư theo những cách có thể, cho phép nông dân của họ giảm thiểu rủi ro”, Jennifer Long, Giám đốc điều hành tổ chức World Coffee Research cho biết.
Tại hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26 của Liên Hợp quốc tháng 11 vừa qua, hơn 100 nhà lãnh đạo thế giới đã cam kết sẽ nỗ lực hợp tác chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030. Họ cũng đang tìm cách thiết kế lại các chính sách nông nghiệp để khuyến khích canh tác bền vững.
Tuy nhiên các chuyên gia cảnh báo, việc thiếu đầu tư vào nghiên cứu và phát triển nông nghiệp có thể dẫn đến giá cả nông sản sẽ biến động mạnh hơn trong thời gian tới. “Sản xuất cà phê luôn chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu xuất khẩu của nhiều nước đang phát triển – nếu không đầu tư vào nghiên cứu và đổi mới. Điều này sẽ khiến hậu quả của sự biến động trên thị trường cà phê có thể rất rõ ràng đối với nông dân”, bà Jennifer Long nói thêm.
Trong số 12,5 triệu nông dân trồng cà phê quy mô nhỏ hiện nay trên toàn thế giới, có ít nhất 5,5 triệu người đang sống dưới mức chuẩn nghèo quốc tế (thu nhập dưới 3,20 đô la một ngày), theo báo cáo của Enveritas, một tổ chức phi lợi nhuận giúp nông dân trồng cà phê quy mô nhỏ tìm giải pháp bền vững.
Các chuyên gia cho rằng, đầu tư vào nghiên cứu và công nghệ nông nghiệp chính là những khoản đầu tư quan trọng nhất hiện nay, đồng thời chỉ ra rằng những thách thức hiện hữu của nền nông nghiệp đang khiến nông dân quy mô nhỏ dễ bị tổn thương. “Cây trồng luôn là mảng tuyệt vời để bắt tay vào khởi nghiệp vì chúng hấp thụ và trung hòa mục tiêu carbon. Chính vì vậy hệ thống sản xuất nông nghiệp cũng cần được thay đổi để tích hợp nhiều cây trồng hơn thông qua hình thức nông lâm kết hợp”, bà Jennifer Long nói.
Theo Nông Nghiệp Việt Nam