Cà phê phin (Việt Nam)Văn hóa

Những kiểu uống cà phê phổ biến tại Đông Nam Á

Share

Theo chuyên trang ẩm thực Taste Atlas, trong số 9 loại cà phê phổ biến nhất khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có 4 loại là sữa chua cà phê, cà phê trứng, cà phê đen và cà phê sữa.

Cà phê sữa đá và cà phê đen truyền thống lần lượt xếp ở vị trí thứ hai và ba trong danh sách những món cà phê phổ biến nhất khu vực Đông Nam Á – Ảnh: ISTOCK

Trong số 5 loại cà phê đặc trưng của Việt Nam đã có đến bốn loại cà phê là sữa chua cà phê, cà phê trứng, cà phê đen và cà phê sữa xuất hiện trong danh sách những món cà phê phổ biến nhất khu vực Đông Nam Á do chuyên trang ẩm thực Taste Atlas bình chọn.

Tại Việt Nam, cà phê là thức uống bình dân được tất cả mọi người từ khắp mọi miền đất nước yêu thích.

Đối với người Việt, cà phê không chỉ là một thức uống, mà nó còn là một nét văn hóa, một thói quen và một lối sống của mọi người.

Kể từ khi người Pháp mang hương vị độc đáo này đến Việt Nam lần đầu tiên vào những năm 1850, nhà nhà, người người đều xem nó như một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mình.

Cà phê trứng, một món đặc sản tại Hà Nội mà bất kỳ du khách nào cũng nên thử một lần – Ảnh: ISTOCK

Bên cạnh cà phê đen và cà phê sữa đá thì gần đây cà phê trứng cũng dần trở nên phổ biến và được biết đến rộng rãi hơn.

Ban đầu, cà phê trứng khiến nhiều du khách cảm thấy lạ lùng, nhưng khi đã thử thì đều bị chinh phục bởi hương vị thơm ngon, béo ngậy.

Chính sự khác biệt trong công thức pha chế đã đưa cà phê trứng trở thành đồ uống ghi dấu ấn trong lòng nhiều thực khách.

Hương vị cà phê Việt, hòa quyện cùng vị trứng đánh bông lên, béo ngậy và thơm nồng nàn, hòa lẫn với vị đắng của cà phê, vị ngọt của sữa.

Để có được một tách cà phê trứng nóng hổi, thơm ngon cũng khá đơn giản, nhưng cũng cần một chút tinh tế và khéo léo.

Đánh đều trứng cùng với vài giọt mật ong cho đến khi bông lên, ngửi thấy mùi thơm như mùi bánh và có màu vàng kem là được.

Tiếp đó, đổ từ từ phần kem trứng vừa đánh lên bên trên cốc cà phê đen nóng vừa mới pha. Bọt kem trứng nhẹ và mịn hơn sẽ nổi lên bên trên, trong khi cà phê nặng hơn sẽ lắng xuống dưới, phân lớp rõ ràng.

Khi thưởng thức, thực khách sẽ dùng một chiếc thìa con để thưởng thức bọt kem bên trên giống như “món khai vị” trước khi uống cà phê bên dưới.

Sữa chua cà phê, một sự kết hợp giữa vị đắng của cà phê và chua bé từ sữa chua – Ảnh: ISTOCK

Bên cạnh cà phê, một loại cà phê độc đáo của Việt Nam cũng lọt vào danh sách những món cà phê phổ biến ở khu vực Đông Nam Á là sữa chua cà phê.

Đây là sự kết hợp lạ thường giữa vị đắng chát của cà phê đen cùng với vị chua béo của sữa chua cùng với sữa đặc và đá.

Vị mát lạnh của sữa chua, béo ngọt của sữa đặc và hương cà phê thơm lừng tạo nên một loại nước uống thơm ngon, đậm đà mang lại hương vị vô cùng mới mẻ cho thực khách.

Ngoài bốn loại cà phê đến từ Việt Nam, còn có bốn loại cà phê đến từ “vùng đất vàng cà phê châu Á” Indonesia là cà phê úp ngược, và phê than, cà phê chồn, cà phê Tubruk và một đại diện khác đến từ Malaysia là cà phê “trắng” Ipoh.

Cà phê “trắng” Ipoh (Malaysia)

Vào khoảng thế kỷ 19, những người Trung Quốc di cư tới thành phố Ipoh, bang Perak, Malaysia để khai thác mỏ thiếc đã mang theo món cà phê độc đáo được gọi là Ipoh white coffee, tức cà phê “trắng” ở Ipoh.

Ipoh white coffee từ Malaysia – Ảnh: ISTOCK

Theo thời gian, món cà phê này đã dần phổ biến và được biết đến rộng rãi hơn nhờ vào hương vị đậm đà.

Thông thường, cà phê đen truyền thống ở Malaysia sử dụng những hạt cà phê rang với bơ, đường cùng với một chút lúa mạch hoặc lúa mì nghiền nhỏ.

Trong khi đó, cà phê “trắng” này lại chỉ được rang với một chút bơ mà không đi kèm theo bất kỳ nguyên liệu nào khác nên thường có màu sắc nhạt hơn.

Cà phê chồn (Indonesia)

Kopi Luwak hay cà phê chồn của Indonesia thường được coi là loại cà phê đắt nhất thế giới. Nó được làm từ hạt cà phê được tiêu hóa và bài tiết bởi cầy hương, sau đó được thu lại, rửa sạch, xay và rang.

Người ta tin rằng khi hạt cà phê đi qua đường tiêu hóa của những con cầy sẽ mất đi vị chát, khiến cà phê mềm hơn, mịn hơn và ít đắng hơn.

Cà phê Luwak hay còn gọi là cà phê chồn, loại cà phê đặc sản của Indonesia – Ảnh: ISTOCK

Cà phê chồn được cho là đã được phát hiện vào thế kỷ 19 trong thời kỳ thuộc địa của Hà Lan, khi nông dân địa phương bị cấm thu hoạch cà phê để sử dụng cho mục đích cá nhân.

Cà phê Tubruk (Indonesia)

Cà phê Tubruk còn có một tên gọi khác là cà phê Acehnese, cũng xuất phát từ tỉnh Aceh giống như món cà phê úp ngược.

Cà phê Tubruk, loại cà phê đen siêu đậm đặc của Indonesia – Ảnh: ISTOCK

Nét đặc trưng của loại cà phê này nằm ở chỗ chúng được pha chế đậm đặc nhất với phần bã tạo thành một lớp cặn đọng bên dưới đáy ly.

Cà phê than (Indonesia)

Một món cà phê độc đáo khác cũng đến từ “xứ sở nghìn đảo” Indonesia là cà phê Joss hay còn được gọi là cà phê than hồng.

Kopi Joss hay còn được gọi là cà phê than với cách pha chế vô cùng độc đáo tại Indonesia – Ảnh: TASTE ATLAS

Bên cạnh cà phê Terbalik, các du khách sẽ tìm đến cà phê Joss mỗi khi có dịp ghé đến Indonesia.

Thức uống bắt nguồn từ thành phố Yogyakarta với cách pha chế vô cùng độc đáo: thả than hồng trực tiếp vào cốc cà phê và phục vụ cho thực khách.

Để thưởng thức cà phê Joss, thực khách sẽ phải đợi vài phút để nhiệt độ của than nguội đi và sau khi viên than hồng hoàn toàn tắt, thực khách sẽ vớt bỏ viên than ra ngoài rồi bắt đầu thưởng thức.

Những viên than được sử dụng trong thức uống này là than hoạt tính với tác dụng giúp lọc các chất bẩn và độc tố.

Cà phê úp ngược (Indonesia)

Cà phê Terbalik hay cà phê Khop có nghĩa là cà phê úp ngược, một loại cà phê “độc nhất vô nhị” bắt nguồn từ thành phố Meulaboh, Indonesia.

“Cà phê úp ngược” hay Khop, món cà phê độc nhất vô nhị đến từ “vùng đất vàng cà phê châu Á” Indonesia – Ảnh: TASTE ATLAS

Đúng như tên gọi của nó, cốc cà phê Terbalik sẽ được úp ngược trên một chiếc đĩa và mang ra cho thực khách thưởng thức.

Khi thưởng thức món cà phê độc đáo này, thực khách sẽ dùng một chiếc ống hút để uống phần cà phê chảy ra từ bên trong cốc.

Cà phê Terbalik thường làm từ cà phê Robusta với quy trình ủ hạt và chế biến tương tự như cách pha chế cà phê đen đá truyền thống ở Việt Nam, sau đó cho thêm đường và sữa để tăng độ ngọt béo và giảm bớt vị chát đắng của cà phê.

Nguồn gốc tạo nên món cà phê với cách thưởng thức độc đáo này đến từ thói quen của những ngư dân ở tỉnh Aceh hàng trăm năm trước.

Do tính chất nghề nghiệp nên các ngư dân Aceh gần như không có nhiều thời gian ngơi tay để có thể thưởng thức một cốc cà phê nóng hổi.

Vì vậy, họ đã nghĩ ra ý tưởng úp ngược cốc cà phê lên một chiếc dĩa đậy kín để giữ ấm nhiệt độ cà phê bên trong và tránh bụi. Những ngư dân sẽ dùng ống hút để nhâm nhi từng chút một cà phê mỗi khi có thời gian ngơi tay.

Theo Tuổi Trẻ

Share