Tin tức cà phêVăn hóa

Quán cà phê của những người bị tạt axit

Share

Nếu không có quán cà phê Sheroes Hangout, có lẽ Anshu Rajput, một nạn nhân bị tạt axit, sẽ che mặt suốt đời.

Trước khi Ấn Độ vắng bóng khách du lịch vì đại dịch, mọi người đến thăm đền Taj Mahal đều thêm điểm dừng chân tại Sheroes Hangout gần đó vào hành trình của mình.

Nằm cách biểu tượng nổi tiếng của Ấn Độ ở phía bắc thành phố Agra chỉ vài km, quán cà phê này có nhân viên và quản lý đều là những người sống sót sau các vụ tấn công bằng axit.

Quán được thành lập năm 2014, do Quỹ Chhanv (một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ những nạn nhân bị tạt axit tại Ấn Độ) bảo trợ. Hầu hết những phụ nữ tươi cười làm việc ở đây, đều có làn da đầy sẹo. Một số bị tổn thương mắt, nhiều người khác trông như thể toàn bộ khuôn mặt bị tan chảy bởi những hành động bạo lực và tàn ác.

Quán cà phê có thư viện, đài phát thanh. Nơi đây không chỉ mang lại việc làm cho những người phụ nữ xấu số đó mà còn mang lại cho họ sự tự tin để đối mặt với xã hội. Ảnh: Chhanv Foundation/CNN

Sheroes Hangout Café đã thay đổi cuộc đời của nhiều nạn nhân nữ. Ở đây, các nhân viên không cần phải che đi gương mặt bị tổn thương của mình. Họ trang điểm, trò chuyện với khách hàng. Và họ thậm chí chia sẻ với khách hàng một cách thoải mái về những khoảnh khắc kinh hoàng nhất trong đời họ.

“Mọi người đều gọi tôi là xấu xí. Lần đầu đến quán, tôi bịt mặt. Nhưng tôi ngạc nhiên vì không ai làm thế cả. Họ đang trò chuyện với khách quen, vui vẻ tạo dáng selfie cùng họ”, Madhu Kashyap, một nhân viên nói. Kashyap năm nay 45 tuổi, bị tạt axit cách đây 24 năm khi cô từ chối lời cầu hôn của một gã đàn ông. Vị hôn phu của cô lúc đó vẫn quyết định cưới cô, nhưng cô đã rất vất vả để đi xin việc. Và quán cà phê đã thắp lên hi vọng về một tương lai tươi sáng hơn cho người phụ nữ.

Anshu Rajput, một cư dân của Bijnor, bang Uttar Pradesh, có câu chuyện tương tự. Cô chỉ mới 15 tuổi khi từ chối những lời đề nghị kết hôn của gã hàng xóm 55 tuổi. Và hắn tạt axit vào cô. “Tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ có cuộc sống bình thường trở lại. Nhờ có quán cà phê, tôi đang sống như bất kỳ ai khác”.

Ưu tiên của quỹ là đảm bảo sinh kế cho các nhân viên của Sheroes, gồm cả việc giúp họ học thêm các kỹ năng cần thiết để theo đuổi ước mơ của mình. Trên ảnh là chi nhánh của quán tại Lucknow. Ảnh: Chhanv Foundation/CNN

Ban đầu quán gặp khó khăn về tài chính, nhưng trong vòng một năm, quán nhanh chóng trở nên nổi tiếng với dân địa phương và người nước ngoài. Nhiều chính trị gia, người có tầm ảnh hưởng trên thế giới như cựu thủ tướng Italy Paolo Gentiloni Silveri và vợ tổng thống Đức, bà Elke Büdenbender, đã đến thăm nhà hàng và hứa sẽ giúp nơi này được duy trì. Vài năm sau, quán mở chi nhánh thứ hai ở thành phố Lucknow, hỗ trợ việc làm cho khoảng 30 nạn nhân của các vụ tấn công bằng axit.

Tuy nhiên trong đại dịch, Sheroes Hangout Café thiệt hại nặng nề. Doanh thu giảm 80% buộc quán phải đóng cửa từ tháng 4 vì khách hàng của họ chủ yếu là khách du lịch. Nhưng các nhân viên cửa hàng đều là những người mạnh mẽ. Họ không để đại dịch làm ảnh hưởng tới tinh thần của mình. Mọi người sử dụng số tiền quyên góp từ các mạnh thường quân và cùng nhau nấu đồ ăn, phân phát cho những người khó khăn trong khu vực.

Mỗi ngày, họ cùng nhau nấu 100 suất ăn để giúp đỡ mọi người. Vào sáng sớm, một nhóm người từ các tổ chức từ thiện và nhân viên của quán tập trung tại Sheroes Hangout Café. Sau đó, một số đi chợ mua thực phẩm, số còn lại nấu ăn. Những người khác đến một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của thành phố và phân phát các gói thực phẩm.

Ngoài ra, họ cũng dành thời gian để học thêm các kỹ năng mới, phục vụ cho cuộc sống cá nhân. Shukla, người đồng sáng lập quán, cho biết đã đăng ký các khóa học về làm đẹp để mở thẩm mĩ viện. Một vài người khác quan tâm đến thời trang, và đã học thiết kế, may vá quần áo. Những người khác đang tập trung vào việc làm đồ trang sức.

Rupa, 26 tuổi, đến từ thành phố Muzaffarnagar, bang Uttar Pradesh, đã trải qua 7 cuộc phẫu thuật kể từ năm 13 tuổi, khi bị mẹ kế tạt axit vào người. Cô nói, quán cà phê đã mang đến cho những người phụ nữ như cô sự công nhận và sức mạnh để đối mặt với thế giới. Hiện tại, cô đang học các kỹ năng cơ bản về máy tính, tiếng Anh và may vá.

Còn nhân viên Anshu Rajput thích công việc viết lách. “Công việc tại quán đã mang lại cho tôi sự tự tin và cơ hội để thử những điều mới. Nếu không có quán, tôi sẽ giấu đi khuôn mặt của mình suốt đời”.

Các cô gái làm việc tại quán đều rất tự tin đối diện với cuộc sống. Họ có thể kể cho khách đến quán nghe về những giây phút kinh hoàng của cuộc đời mình một cách bình thản, thay vì những cảm xúc đau đớn, phẫn nộ. Ảnh: Chhanv Foundation/CNN

Hiện nay, điều may mắn là quán ở Lucknow có thể mở cửa trở lại ngay sau khi chính phủ nới lỏng các hạn chế vì họ không phải mất tiền thuê nhà. Quán là tài sản của chính phủ trao cho họ. Nhưng quán ở Arga phải mất thêm ít nhất một năm nữa mới có thể hoạt động do phần lớn khách là người nước ngoài, dù Taj Mahal đã mở lại từ tháng 6.

Theo Cục Hồ sơ Tội phạm Quốc gia Ấn Độ, trong 4 năm, từ 2014 đến 2018 có gần 1.600 nạn nhân bị tạt axit, tương đương với ít nhất một vụ mỗi ngày. Nạn nhân hầu hết là phụ nữ. Thủ phạm thường không có ý định giết người mà chỉ cố tình làm biến dạng khuôn mặt nạn nhân. Đôi khi, những nạn nhân này phải đối mặt với sự cô lập suốt đời khi họ thường xuyên phải che mặt và chịu sự xa lánh của xã hội. Những kẻ tạt axit có thể đối mặt với mức án tù tối thiểu 10 năm, có thể kéo dài đến chung thân cùng tiền phạt, nhưng tỷ lệ kết án rất thấp.

Nguồn: VNExpress

Share