Startup Việt Nam cũng mắc bệnh ‘làm màu’, mua bàn ghế đẹp, máy Mac xịn, hội họp triền miên và cái kết … “bánh vẽ”
Không ít startup Việt đã bị tố vung tiền tiêu hoang, từ mua bàn ghế đẹp để làm việc có cảm hứng, mua máy Mac xịn mới làm việc được, rồi hội họp triền miên để tăng tính kết nối và kết cục là… đốt hết tiền của nhà đầu tư, trong khi chưa làm nên trò trống gì…
Mới đây, câu chuyện GitHub thua lỗ 27 triệu USD trong năm tài chính kết thúc vào tháng 1/2016 vì chi tiêu hoang phí đã làm dấy lên những lo ngại về thế hệ startup mới chỉ lo ăn ngon mặc đẹp, không lo làm trong giới khởi nghiệp nói chung.
Những tưởng, “tệ nạn” này chỉ xuất hiện ở trời Tây – nơi các nhà đầu tư sẵn sàng vung hàng chục, hàng trăm triệu USD cho công ty khởi nghiệp, thế nhưng, ngay tại Việt Nam, người ta đã ghi nhận trường hợp các startup mắc phải căn bệnh “làm màu” tương tự.
Trên thực tế, không ít startup Việt bị tố vung tiền tiêu hoang, từ mua bàn ghế đẹp để làm việc có cảm hứng, mua máy Mac xịn mới làm việc được, rồi hội họp triền miên để tăng tính kết nối và kết cục là… đốt hết tiền của nhà đầu tư, trong khi chưa làm nên trò trống gì…
Một nữ founder trong giới starup Việt chia sẻ bài toán của bản thân: “Mới khởi nghiệp, chúng tôi thường ít vốn. Do đó, chi tiêu thường rất chi li. Mục tiêu chính của startup ở giai đoạn này thường là nghiên cứu và phát triển sản phẩm, và phải làm sao để đạt được 4 cái nhất. Bộ máy phải tinh gọn nhất, ít phát sinh chi phí nhất, quy trình đơn giản nhất, tính linh hoạt cao nhất.
Nói chung, giai đoạn này thường rất khổ sở, ăn không dám ăn, tiêu chẳng dám tiêu. Nhưng gọi được vốn rồi, con người ta thường sẽ thay đổi. Đang khổ, bỗng dưng có một lượng tiền lớn trong tay, nhiều founder nói riêng, startup Việt Nam nói chung sinh thói… hoang phí”.
Đưa ra một ví dụ cụ thể, chị cho biết trong giới startup Việt Nam, có người mới nhận được tiền của nhà đầu tư, kế hoạch chưa lên, sản phẩm chưa chạy đã chăm chăm tìm văn phòng mới trong chưa đầy một tuần sau. Từ văn phòng bình dân, startup này chuyển bằng được lên khu co-working đẹp đẽ, mua bàn ghế mới, trang trí lại văn phòng cho thật “sang chảnh”, trong khi nhu cầu này chưa thực sự cần thiết.
Bạo chi hơn nữa, họ còn trang bị cả dàn máy tính Mac mới toanh, lấy lý do là để làm việc hiệu quả hơn. “Nhưng thực tâm mà nói, lâu nay họ dùng máy tính cũ cũng vẫn làm việc được, vẫn gọi vốn được, thay mới có mang về hiệu quả không?”, chị đặt ra câu hỏi.
Và quả là startup này nhanh chóng nhận trái đắng. Tới khi trang trí, “làm màu” xong xuôi, startup mới vỡ lẽ là mình đã đốt hết tiền, lại rơi vào trạng thái y như lúc chưa gọi được vốn. Hệ quả là startup “làm màu” luôn ở trong vòng luẩn quẩn thiếu tiền, việc kinh doanh cứ chật vật mà không thể bật lên được…
“Vì thiếu kiến thức tài chính, quản lý dòng tiền, nên nhiều startup Việt Nam bị lúng túng, có xu hướng mua sắm, hoặc tiêu dùng để thỏa mãn cơn khát tiền trong một thời gian dài – giống như người nghèo bỗng nhiên trúng số – thiếu sự tính toán cũng như tỉnh táo để nhớ rằng: Tiền đầu tư là tiền vay trước trả sau.
Trong khi đó, nhà đầu tư đưa tiền cho bạn với rất nhiều ràng buộc về kết quả kinh doanh, bao gồm cả uy tín cá nhân và uy tín của tổ chức mà bạn đang đại diện. Đốt tiền trong khi hiệu quả chưa có cũng đồng nghĩa startup của bạn đã thất bại”, nữ founder đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ đã và đang startup tại Việt Nam.
Trao đổi với một founder khác, anh này cũng kể cho chúng tôi một câu chuyện tương tự: “Họ khá nổi tiếng trong cộng đồng công nghệ, xây dựng văn hóa nội bộ theo kiểu “hưởng thụ”. Họ chi rất nhiều ngân sách cho các hoạt động team building, các buổi họp kết hợp nghỉ dưỡng, thiết kế phòng game/giải trí tại công ty và dành nhiều thời gian vào những việc khích lệ tinh thần nhau hơn là tập trung cho kinh doanh”.
Chưa đầy 1 năm, hoạt động này đã đẩy startup đến tình trạng nguồn tiền cạn kiệt nhanh chóng mà không có doanh thu bù đắp, không có tiền trả lương cho nhân viên. Và startup này đã dùng đến cách: Bán khống dịch vụ cho khách hàng (bán hàng thu tiền, nhưng không cung cấp được dịch vụ), tiền thu được dùng để trả lương và trang trải các chi phí hoạt động khác.
Hệ quả là đến khi khách hàng phát hiện ra thực trạng, đồng thời phản đối, yêu cầu hoàn tiền thì không còn tiền để hoàn. Cứ như vậy, startup này hiện vẫn đang luẩn quẩn trong vòng quay: vẽ dự án – tiền về – chi tiêu phung phí – vẽ dự án…
Đó cũng là một trong nhiều trường hợp startup phát triển theo hướng “vẽ” ra dự án và kêu gọi tiền đầu tư. Các dự án này thường không mang lại hiệu quả về kinh doanh, họ sẽ vẽ ra dự án khác, chạy KPIs ảo (gian lận để có KPIs như chạy tools, khai khống kết quả…).
Vô hình chung, chính cách làm “tạo bong bóng” này đã giảm uy tín của các startup Việt Nam một cách trầm trọng, dẫn đến việc các nhà đầu tư đề phòng, không còn mặn mà với việc đầu tư mạo hiểm…
Từ đó, yêu cầu của phía nhà đầu tư cũng khắt khe hơn, các sản phẩm mong muốn được đầu tư đều phải là những sản phẩm đã ra thị trường và có kết quả nhất định chứ không dừng lại ở giai đoạn seeding. Hệ lụy là các startup đi sau mất đi cơ hội được tiếp cận với nguồn vốn từ đã chịu “đau thương” từ các startup trước.
Founder này khẳng định: “Để tránh được những hậu quả xấu này, startup khi bắt đầu có ý tưởng khởi nghiệp cần tìm hiểu và trang bị những kiến thức quản trị cần thiết, đặc biệt là kiến thức về tài chính, quản trị doanh nghiệp và pháp luật”.
Cần xác định rõ ràng và nghiêm túc, theo đuổi con đường khởi nghiệp là sự nghiệp lâu dài, việc gọi được vốn mới chỉ là giai đoạn khởi đầu của kinh doanh. Hãy đặt sự chính trực vào kinh doanh và luôn nhớ: Tiền đầu tư không phải là tiền của mình!