Sự bùng nổ ở Châu Á với cà phê
Châu Á vốn trước kia thịnh hành văn hóa uống trà. Giờ đây, việc tiêu thụ cà phê của châu lục này ngày càng tăng, chủ yếu do sự gia tăng của tầng lớp trung lưu muốn trải nghiệm thức uống có phần thời thượng.
Theo Tổ chức Cà phê quốc tế, tiêu thụ cà phê ở châu Á tăng 1,5% trong 5 năm qua, so với mức tăng 0,5% ở châu Âu và 1,2% ở Mỹ, biến khu vực này trở thành trung tâm của cà phê thế giới. Từ nhiều năm qua, nhất là trong thời gian ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, số người uống cà phê châu Á tìm về các loại cà phê được sản xuất trong nước ngày càng tăng. Các nhà sản xuất và kinh doanh cà phê gia tăng thị phần nhiều hơn, nền văn hóa cà phê bản địa đang bắt đầu cạnh tranh với các chuỗi cà phê phương Tây như Starbucks và Costa. Hiện tại, châu Á sản xuất 29% hạt cà phê trên thế giới nhưng khu vực này (gồm cả châu Đại dương) chỉ tiêu thụ 22% trong số đó.
Anh Iman Kusumaputra, đồng sáng lập Kopikalyan, chuỗi cửa hàng cà phê ở Indonesia, nhận thấy cơ hội kinh doanh đang rộng mở. Theo tờ Nikkei Asia, anh có hoài bão biến Kopikalyan trở thành chuỗi cà phê quốc tế đầu tiên từ một quốc gia sản xuất cà phê hàng đầu thế giới. Anh nhận thấy không một tên tuổi lớn nào như Starbucks (Mỹ), Costa Coffee (Anh), Gloria Jeans Coffee (Australia) hay Arabica (Nhật Bản) có nguồn gốc từ các quốc gia sản xuất cà phê nhiều nhất thế giới như Brazil, Việt Nam hay Indonesia.
Văn hóa cà phê của Việt Nam cũng đang phát triển. Các xe bán cà phê hàng rong giá trung bình chưa tới 1 USD/ ly cà phê robusta trở thành đặc điểm cơ bản ở Việt Nam trong hơn một thập niên qua. Bên cạnh đó là hàng loạt chuỗi quán cà phê từ bình dân đến thời thượng. Cà phê còn được bán ngay cả trong các cửa hàng tiện lợi phục vụ mọi nhu cầu.
Trung Quốc cũng đang trải qua một xu hướng tương tự. Sự xuất hiện của các chuỗi cửa hàng cà phê nước ngoài bao gồm Starbucks và Costa Coffee cuối những năm 1990 đã ghi dấu ấn trên khắp các thành phố của Trung Quốc và thu hút người tiêu dùng trẻ tuổi. Nhưng sự xuất hiện của các chuỗi cửa hàng địa phương và quán ven đường những năm gần đây đang thúc đẩy văn hóa uống cà phê tại nước này. Ngay cả quốc gia có lịch sử uống trà lâu đời như Nhật Bản đã có sự gia tăng tiêu thụ cà phê trong những năm gần đây. Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Mersol & Luo có trụ sở tại Hồng Công, Nhật Bản là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất ở châu Á, với doanh số bán cà phê đạt 34,45 tỷ USD năm 2020. Trong khi cà phê đã trở thành một trong những thức uống nóng được tiêu thụ nhiều nhất ở Nhật Bản, lượng tiêu thụ trà đang giảm dần. Theo Hiệp hội Sản xuất trà Nhật Bản, tiêu thụ trà nội địa đã giảm xuống còn 108.454 tấn vào năm 2019, giảm 30% so với năm 2004.
Với Hàn Quốc, thị trường tiêu thụ cà phê lớn thứ thứ 3 châu Á sau Nhật Bản và Trung Quốc, các quán cà phê đã trở thành một phần không thể thiếu của xã hội. Thị trường cà phê nước này đã tăng nhanh trong vài năm qua bất chấp đại dịch, nhờ vào những khách hàng đã sử dụng quán cà phê như ngôi nhà thứ hai. Giới trẻ Hàn Quốc, cũng như nhiều nước châu Á khác, tới quán cà phê để học tập hay làm việc, hoặc chỉ đơn giản là tìm chút không gian yên tĩnh, tránh đi những âm thanh ồn ào của đô thị. Nhập khẩu cà phê của Hàn Quốc đạt 916 triệu USD vào năm 2021 (tăng so với 738 triệu USD năm 2020). Viện Nghiên cứu Hyundai dự báo thị trường cà phê của nước này sẽ tăng lên 9.000 tỷ won (7,5 tỷ USD) vào năm 2023.
Theo Sài Gòn Giải Phóng