Trồng & Sơ chế

Trà từ vỏ, hoa cà phê – tinh hoa mới của Tây Nguyên

Share

Tây Nguyên là nơi trồng nhiều cà phê nhất cả nước. Sản phẩm trà làm từ vỏ, hoa cà phê đang là hướng làm kinh tế mới cho người dân nơi đây.

Giá trị kinh tế cao

Tây Nguyên có trên 640.000ha cà phê, chiếm trên 92% diện tích cả nước, sản lượng thu hoạch đạt 1,67 triệu tấn, chiếm khoảng 95% sản lượng cà phê cả nước; 87 cơ sở chế biến cà phê, chiếm 36,4% cả nước.

Có thể khẳng định cà phê là cây trồng chủ lực của nông dân Tây Nguyên. Trước đây, người dân chỉ thu hoạch nhân cà phê còn hoa, vỏ vứt bỏ hoặc tận dụng một phần làm phân.

Tuy nhiên những năm gần đây nhiều công ty, hợp tác xã (HTX) đã tìm tòi, học hỏi để tận dụng hoa, vỏ cà phê làm trà. Đây là một trong những sản phẩm mới có thể giúp người dân, doanh nghiệp nâng cao thu nhập.

Là một trong những người tiên phong trong việc sử dụng vỏ, hoa cà phê để làm trà, ông Lê Văn Vương, Giám đốc Công ty Sản xuất và Thương mại Vương Thành Công (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk) khẳng định sản phẩm này có tiềm năng kinh tế rất lớn. Hiện nay Công ty Vương Thành Công có 2 loại trà bán trên thị trường là trà làm từ vỏ và hoa của vườn cà phê hữu cơ.

Những quả cà phê chín mọng được lựa chọn, tách vỏ để làm trà. Ảnh: Quang Yên.

Trong đó, trà vỏ cà phê được Công ty Vương Thành Công thí điểm, sản xuất từ năm 2017. Theo ông Vương, quá trình chế biến vỏ quả cà phê tươi từ khi thu hoạch đến lúc cho ra thành phẩm là một quá trình vô cùng tỉ mỉ. Những quả cà phê phải được thu hái hoàn toàn bằng tay, chỉ chọn lọc những quả chín đỏ vừa độ nhất. Quả cà phê sau đó được rửa sạch và trải qua quá trình tách vỏ thủ công để vỏ quả không bị nát, tiếp đến phải trải qua một quá trình xử lý nhanh chóng để không bị hỏng do lên men.

“Khâu quan trọng nhất là khi tách vỏ phải làm sao để không bị dập nát. Vì khi bị dập thịt của vỏ sẽ bị tổn thương khiến lượng đường, mật mất đi. Do đó, việc làm trà phải làm thủ công”, ông Vương chia sẻ.

Trà làm từ hoa cà phê cũng được công ty tìm hiểu, đưa vào sản xuất từ năm 2021. Bình thường người dân sau khi thu hoạch thì cắt cành cà phê. Nhưng ở công ty là để nguyên những cành này, bón phân cho ra hoa. Khi bông nở rộ thì sẽ cắt cành để thu hoạch hoa.

“Hoa cà phê được công ty thu hoạch từ 4 giờ đến 8 giờ sáng hàng ngày. Thời điểm này sương vẫn còn đọng trên các cánh hoa giúp cho hoa đạt chất lượng. Hai sản phẩm của công ty được sản xuất, thu mua từ những hộ dân có vườn cà phê hữu cơ để đảm bảo sản phẩm không còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật”, ông Vương nói.

Mỗi năm, 2 loại trà trên Công ty Vương Thành Công sản xuất được hơn 500kg, giá bán ra thị trường cao. Trong đó trà từ vỏ cà phê có giá 1,3 triệu đồng/kg; còn trà từ hoa cà phê có giá 5 triệu đồng/kg. Hiện các sản phẩm trà của công ty được bày bán trên hầu hết các sàn thương mại điện tử và một số siêu thị. Trong đó, TP.HCM, Hà Nội và Đăk Lăk là 3 địa phương có lượng tiêu thụ sản phẩm lớn.

Hoa cà phê trước đây người dân để rụng nhưng hiện nay được tận dụng làm trà. Ảnh: Quang Yên.

Đánh giá về tiềm năng phát triển sản phẩm trà từ vỏ và hoa cà phê, ông Vương cho biết, triển vọng rất lớn. Hai loại sản phẩm này không ảnh hưởng gì đến việc thu hoạch nhân cà phê của người dân.

“Chúng ta không làm trà từ vỏ và hoa thì người dân vẫn có thu nhập chính từ nhân cà phê. Nếu người dân sản xuất được thêm trà từ vỏ và hoa thì đây là nguồn thu nhập lớn cao hơn từ 4 – 10 lần. Mỗi ha cà phê người dân thu nhập nhân thì khoảng 100 triệu đồng. Nếu làm thêm trà thì có thể thu nhập từ 400 – 500 triệu đồng/ha. Với mức thu nhập này, vườn cà phê hữu cơ của công ty đã đạt được.

Tiềm năng cả 2 sản phẩm này rất lớn với điều kiện chuyển từ mô hình cà phê vô cơ sang hữu cơ. Tôi khuyến khích người dân nên chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ để tận dụng tất cả các phụ, phế phẩm từ cà phê”, ông Vương nói.

Nhiều tiềm năng nhưng còn hạn chế đầu ra

Cũng là một trong những đơn vị thử nghiệm làm trà từ vỏ và hoa cà phê, ông Trần Đình Trọng, Giám đốc HTX Công bằng Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) cho biết, tiềm năng kinh tế của các sản phẩm này còn rất lớn. Tuy nhiên, cái khó của các sản phẩm này là đầu ra.

Theo ông Trọng, HTX thí điểm làm trà từ vỏ và hoa cà phê từ 2 năm trước. Tuy nhiên hiện mỗi năm đơn vị chỉ sản xuất được vài chục kg vì đầu ra còn hạn chế. Các sản phẩm của HTX được lựa chọn tại những vườn không sử dụng phân, thuốc hóa học để đảm bảo sức khỏe.

Hai sản phẩm trà từ vỏ và hoa cà phê có tiềm năng kinh tế lớn, nhưng hiện nay vẫn còn hạn chế đầu ra. Ảnh: Quang Yên.

Đối với trà từ vỏ cà phê có vị đặc biệt thơm như mật ong, người sử dụng đánh giá rất tốt. “Khu vực xã Ea Tu được Bộ NN-PTNT quy hoạch vùng cà phê đặc sản. Khi sản xuất cà phê đặc sản thì có nhiều sản phẩm liên quan đưa ra thị trường. Cụ thể thay vì vỏ cà phê làm phân bón như trước đây thì nay sử dụng để làm trà. Với quy hoạch trên thì cây cà phê người nông dân có thể sử dụng tất cả từ hoa, vỏ, nhân và cây. Những sản phẩm trên đều mang tính đặc trưng của vùng Tây Nguyên. Hiện nay chi phí để sản xuất ra trà từ vỏ và hoa cà phê rất thấp. Cụ thể là tận dụng những nguyên liệu sẵn có của cây cà phê, nhưng giá thành bán ra rất cao, do vậy tiềm năng là rất lớn”, ông Trọng khẳng định.

Tuy nhiên để sản phẩm này được công nhận, chính quyền địa phương cũng cần hỗ trợ các đơn vị trong việc phân tích công dụng, quảng bá hình ảnh. Cụ thể, nhà nước cần phân tích xem trà làm từ vỏ, hoa cà phê có những công dụng gì khi đó người tiêu dùng mới tin tưởng sử dụng.

Trà từ hoa, vỏ cà phê là hướng đi kinh tế mới cho nông dân Tây Nguyên. Ảnh: Quang Yên.

“Tiềm năng rất lớn nhưng đầu ra hạn hẹp. HTX mong muốn có một doanh nghiệp liên kết để đơn vị sản xuất số lượng lớn vì nguyên liệu từ hoa và vỏ cà phê rất nhiều. Cơ quan chức năng cần có một chương trình riêng để phát triển những sản phẩm này. Đây là hướng đi mới cho các sản phẩm liên quan đến cà phê tại Tây Nguyên”, ông Trần Đình Trọng kỳ vọng.

Theo Nông Nghiệp 

Share