ChạmVăn hóa

Triệu dấu chân qua những cửa ô

Share

Những ngồi thưởng thức đồ uống chậm rãi trong không khí nhìn thấy cây, thấy phố… gợi một cảm giác bình an quen thuộc, như con lắc dao động về được điểm cân bằng.

Lâu lâu đi khỏi Hà Nội, ý nghĩ đầu tiên khi nhìn thấy khung cảnh thành phố trên đường về là: Tại sao cứ mãi thế nhỉ? Chẳng hạn những vỉa hè tróc lở, năm nào cũng cạy lên lát lại, hay những thùng rác luôn ở những chỗ dễ nhìn thấy nhất. Nỗi chán nản lên tới cực điểm.

Nhưng chỉ vài tiếng sau, ăn xong một bát phở ngon, uống chén trà nóng hay cốc cà phê thơm, bỗng nhiên thấy dễ chấp nhận hơn hẳn. Quy luật đường nhanh nhất đi đến tình yêu qua dạ dày phát huy tác dụng. Hà Nội với tất cả những lem nhem, xộc xệch, nhưng vẫn trôi chảy mạch sống cuối năm giữa mùa dịch Covid-19 đang rập rình xung quanh. Trời đã bớt lạnh hơn, những con đường đã có xe đạp chở hoa đào đi bán. Tâm trạng vừa mới căng ra đầu ngày, giờ đã có chiều hướng giãn ra.

Có thể nói, sự trồi sụt cảm xúc ấy cũng phản ánh chính xác tâm lý một năm qua, khi dịch Covid-19 phát ra những tín hiệu đầu tiên vào những ngày sau Tết âm lịch và rồi từ đó trở đi, cuộc sống không trở về như trước.

Sự ra đi của những người thân làm đảo lộn không gian của những mối quan hệ. Sự mất mát cùng sự căng thẳng của những đợt giãn cách xã hội được gia cường thêm bằng những cơn lũ thông tin nhiều phần tiêu cực về tình hình dịch bệnh tồi tệ, về các thiên tai giáng xuống. Như thể tạo hóa đang làm công việc thử thách các sinh linh sau một thời gian dài tận hưởng lạc thú.

Nhưng rồi sau những biến cố, cuộc sống như sợi dây cao su lại chùng xuống. Chúng ta dễ thích nghi hơn là bản thân chúng ta tưởng. Chúng ta vất vả tìm kiếm những lạc thú mới, hoặc cố gắng phục hưng lại những cảm giác dễ chịu từng có. Đôi khi những niềm vui hơi quá mức khác thường của những dòng trạng thái trên Facebook khiến tôi tưởng tượng ra một không khí lạc quan đầy siêu hình của những bát phở hay cốc cà phê đã làm ấm bụng và lên tinh thần.

“Ngồi đâu bây giờ nhỉ?” Câu hỏi như thế cứ đến mỗi lần đi tìm một quán cà phê hay đơn giản là nơi gặp bạn bè, và tôi nhận ra đang tự làm khó mình bằng những “nguyên tắc”: Tôi cần một quán có cửa sổ nhìn ra phố có cây xanh, tôi cần quán không quá đông, không quá ồn, không kiểu cách dị mọ, bàn ghế sạch sẽ và thoải mái… Đại loại là nghe có vẻ rất cầu kỳ và quá nhiều đòi hỏi ở một thành phố như Hà Nội, nơi chỉ cần hai cái ghế con con bên vỉa hè là đủ không gian cho một cuộc gặp gỡ.

Nhưng một quán như thế lại là hình ảnh đặc thù vài thập niên trước, cứ nghe các bài hát thịnh hành có nhắc đến quán xá mà xem. Từ khóa “quán vắng” chắc chắn phổ biến hơn “quán đông” và ở quán ngồi là có chỗ ngắm “bên đường xe ngựa ngược xuôi” hay “bên quán nhỏ em buồn nghe lá trút”. Quán đông hình như làm người ta nghĩ đến quán ăn, có một sự kiện gì khác thường xảy ra ở đấy hơn là cái nhịp độ hàng ngày.

Bây giờ có vẻ những quán cà phê đáp ứng những xa xỉ trên không nhiều. Nhìn vào điều kiện thực tế của việc làm ăn ở đô thị, rõ ràng cùng một diện tích mặt bằng, bán cà phê không có lợi so với hàng ăn. Số thời gian khách ngồi uống cà phê lâu hơn so với ngồi ăn nhậu, chưa kể quán cà phê đòi hỏi trang trí nội thất phù hợp, nếu có máy pha cà phê kiểu Italy tiêu chuẩn thì còn tốn kém nữa. Thế mà tôi còn đòi hỏi một quán vắng! Có “view” nhìn ra phố hay vườn cây! Tôi thấy mình khổ sở khi tìm chỗ ngồi uống cà phê là đáng đời lắm.

Những ngồi thưởng thức đồ uống chậm rãi trong không khí nhìn thấy cây, thấy phố… gợi một cảm giác bình an quen thuộc, như con lắc dao động về được điểm cân bằng. Tôi sẽ luôn muốn trở về Hà Nội nếu ở đó còn những quán cà phê cho tôi ngồi, ngắm cây ngắm phố và thấy người ta sống bình an. Vẫn còn đó những “nguyên tắc” mà mỗi người không thể từ bỏ. Có vẻ tôi sẽ không thể nào bớt khổ.

Theo Zingnews

Share