BaristaSpecialty Coffee

Đầu tư cho thú thưởng thức cà phê hiếm

Share

“Làn sóng specialty” mô tả việc ngày càng nhiều người có nhu cầu thử và tìm hiểu các loại hạt cà phê đặc sản. Đây phần lớn là những mẫu hạt được tuyển chọn và kiểm chứng về chất lượng.

Minh Châu không còn vừa miệng với những ly cà phê từ thương hiệu phổ thông. Cô thường tìm mua những loại hạt hiếm, hoặc ghé đến những hàng, quán có mẫu cà phê đặc biệt.

Thưởng thức những hạt cà phê ngon, chuẩn vị trở thành mối quan tâm của nhiều bạn trẻ. Ảnh: Quang Vinh Nguyen/Pexels.

Được bạn bè giới thiệu một quán cà phê có loại hạt chất lượng cao, dù ở xa, Minh Châu (27 tuổi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) vẫn tìm cách đến tận nơi thưởng thức, trải nghiệm.

Nhiều năm qua, freelancer này luôn dành nhiều thời gian, công sức cùng tiền bạc cho sở thích đối với cà phê.

Chia sẻ với Zing, Minh Châu cho biết mình thường chi trả 3-5 triệu đồng/tháng cho những ly đồ uống sóng sánh, thơm lừng. Cô không còn vừa miệng với những ly cà phê tại hàng quán phổ thông. Thay vào đó, cô săn lùng và đặt mua một số loại hạt ngoại hảo hạng từ nước ngoài, “tuyển chọn” theo khẩu vị cá nhân.

“Gần đây, tôi ấn tượng với hạt cà phê Colombia Cundinamarca. Độ axit của mẫu này khá phức tạp với chanh vàng, bưởi hồng và quýt. Khi pha thành đồ uống, loại hạt có hương vị giống một chút với Sprite”, cô hào hứng kể lại.

Làn sóng “specialty”

Theo Minh Châu, mẹ cô là người Đà Lạt (Lâm Đồng) – mảnh đất vốn trồng khá nhiều cây cà phê với nhiều giống, loại khác nhau. Mỗi lần về quê, mẹ đều mang ra Hà Nội nhiều loại hạt khác nhau của vùng núi trung nguyên, cùng gia đình pha chế và thưởng thức.

Nhờ những lần như vậy, từ khoảng năm học cấp hai, Minh Châu đã có một sự yêu thích đặc biệt đối với hạt cà phê và việc pha chế loại thức uống này.

Minh Châu ngày càng kỹ tính trong việc thưởng thức cà phê.

Đến nay, cô thừa nhận mình ngày càng kỹ tính và khắt khe trong việc lựa chọn mẫu hạt để trải nghiệm.

“Đến hàng quán nào, tôi cũng hỏi barista (người pha chế) về nguồn gốc và chất lượng loại hạt được sử dụng”, cô kể lại.

Minh Châu khẳng định không phải loại hạt đắt đỏ nào cũng mang đến hương vị thơm ngon.

Cụ thể, cà phê chồn (hay còn gọi là kopi luwak) có giá thành từ 20-70 triệu đồng/kg, tuy nhiên chất lượng hạt không đặc sắc như cô kỳ vọng.

“Theo tôi tìm hiểu, loại cà phê này có giá cao nhất nhì thị trường vì số lượng có hạn. Nhưng thực sự món đồ uống từ hạt cà phê chồn không hợp với tôi. Tôi cũng đặc biệt lên án hành động ngược đãi động vật và phương pháp chế biến mất vệ sinh đằng sau loại hạt này”, cô nói.

Tương tự Minh Châu, Khánh Linh (27 tuổi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng có 8 năm yêu thích và tìm tòi về cà phê.

Cô hiện là barista, bắt đầu hành trình làm cà phê từ năm 2014. Suốt quãng thời gian dài gắn bó với các loại hạt và từng công đoạn chế biến ra một ly đồ uống, Khánh Linh có cơ hội chứng kiến “làn sóng specialty” tại Việt Nam.

“Làn sóng specialty” mô tả việc ngày càng nhiều người có nhu cầu thử và tìm hiểu các loại hạt cà phê đặc sản. Đây phần lớn là những mẫu hạt được tuyển chọn và kiểm chứng về chất lượng.

Khánh Linh cho biết khách hàng yêu cà phê trẻ tuổi hiện nay không chỉ hài lòng với hạt Việt Nam (Arabica và Robusta) như trước. Họ muốn mở rộng và nâng cao trải nghiệm cà phê với các loại hạt tuyển chọn từ khắp nơi trên thế giới.

“Các loại hạt ngoại đến từ các nước châu Mỹ và châu Phi như Ethiopia, Colombia, Kenya… hiện rất được ưa chuộng. Nhiều vị khách chỉ đến với cửa hàng khi chúng tôi thông báo mới nhập khẩu thành công các mẫu hạt đặc sản này”, Khánh Linh tâm sự.

Dám trải nghiệm, dám chi tiền

Theo dõi ứng dụng quản lý tài chính cá nhân, Minh Châu nhận thấy số tiền chi trả cho cà phê ngày càng lớn. Cô sẵn sàng tiêu đến nửa triệu đồng cho một buổi cà phê, một tháng khoảng 10 lần như vậy.

“Tôi không đánh giá cà phê đắt. Cà phê chỉ đắt khi chất lượng hạt không xứng đáng với giá tiền”, cô nhận định.

Do tính chất công việc thường xuyên đi lại, Minh Châu có cơ hội thưởng thức cà phê tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.

Cô cho biết giá thành tại những quán độc lập hướng đến trải nghiệm cà phê chuyên biệt cao hơn hẳn so với các thương hiệu lớn, dao động từ 70.000-85.000 đồng/ly cà phê. Tuy nhiên, cô vẫn sẵn lòng chi trả số tiền lớn để có được trải nghiệm xứng đáng.

“Tôi từng tiêu khoảng 300.000-500.000 đồng cho một buổi cà phê trong chuyến công tác TP.HCM. Đó là chi phí cho một bình pour, hai ly cold brew được pha chế từ các loại hạt hảo hạng”, cô kể lại.

Mạnh Cường chấp nhận đi xa, chi nhiều tiền để trải nghiệm cà phê ở nhiều quán khác nhau.

Đối với những quán cà phê quen thuộc, thường xuyên ghé thăm, Minh Châu hoàn toàn vui vẻ dành ra 500.000-600.000 đồng cho 100 gr cà phê tuyển chọn đến từ nhà rang uy tín và quen thuộc.

Không chỉ thưởng thức loại cà phê tại hàng quán, Châu còn chi trả 13 triệu đồng cho máy pha cà phê tại nhà để phục vụ đam mê đặc biệt của mình.

Với công cụ pha chế tại gia, cô thấy thuận tiện hơn trong việc thử các loại hạt được săn lùng và xách tay từ nước ngoài về.

Trong khi đó, Mạnh Cường (24 tuổi, quận 7) cũng là khách hàng quen mặt ở các quán cà phê tại ở TP.HCM. Mỗi sáng trước khi đi làm, anh đều phải ghé qua quán quen để thưởng thức một ly coldbrew mát lạnh.

“Một ly coldbrew tôi hay uống có giá khoảng 70.000-90.000 đồng. Trung bình, mỗi tháng tôi tốn khoảng gần 2 triệu đồng cho sở thích này”, anh nhẩm tính.

Những ngày cuối tuần, anh có thể di chuyển hơn 10 km để tìm đến những quán cà phê cách xa trung tâm thành phố, thưởng thức các loại hạt hiếm và đắt đỏ hơn. Những cửa hàng chuyên cà phê gây ấn tượng với anh không chỉ vì chất lượng đồ uống, không gian, mà còn là sự am hiểu của nhân viên.

“Tôi có thể trò chuyện với các bạn, thậm chí chủ quán, để hiểu hơn về hạt cà phê đó cùng quy trình tạo ra nó. Do đó, tôi không ngại đi xa, cũng không ngại tốn kém”, Cường tươi cười kể lại.

Theo Cường, anh thỉnh thoảng vẫn thích uống 100% cà phê từ hạt, ví dụ như 100% Arabica hay 100% Robusta. Các loại hạt này tương đối phổ biến, do đó giá không quá đắt đỏ.

Tuy nhiên, những khi muốn đổi vị, anh vẫn sẵn sàng thử việc phối nhiều công thức để có một hương vị cà phê ngon, hoặc thử nhiều hạt cà phê khác.

“Gần đây, tôi được một người bạn giới thiệu một loại cà phê pha trộn các giống Arabica từ Brazil, Colombia, Ấn Độ và Robustas từ Indonesia và Việt Nam tạo ra một loại cà phê espresso vừa và nhẹ, khá dễ uống. Giá thành cũng dễ tiếp cận, khoảng 900.000 đồng/kg”, anh nói.

Hàng quán tìm cách giữ chân khách hàng sành sỏi

Khi khách hàng ngày càng khó tính trong việc thưởng thức, các chủ cửa hàng kinh doanh cũng đau đầu trong việc tìm hạt cà phê, cơ sở rang xay uy tín, chất lượng để giữ chân thực khách.

Với cương vị là barista, Khánh Linh muốn khách hàng có trải nghiệm tốt nhất với những hạt cà phê chất lượng.

Theo Khánh Linh, việc pha chế cà phê tại nhà hiện đã tương đối khả thi. Người trẻ hoàn toàn có thể lựa chọn nhiều mẫu hạt và nhà rang trong nước và quốc tế. Vì thế, áp lực lớn đối với các quán cà phê hiện nay chính là làm sao để bắt kịp công nghệ pha tại gia.

“Hành trình căn chỉnh – uống thử – lặp lại để cốc cà phê ngon hơn – sau đó uống được một cốc cà phê ngon nhất là một trải nghiệm các barista muốn chia sẻ với khách hàng.

Việc nhập về những mẫu hạt hảo hạng từ các nhà rang uy tín cũng là cách duy nhất để chúng tôi giữ chân khách hàng trẻ”, Khánh Linh tâm sự với Zing.

Tương tự Khánh Linh, Sơn Tùng (30 tuổi, quận 1, TP.HCM) cũng đau đầu trong việc giữ chân những khách hàng khó tính nhất khi đến thưởng thức cà phê tại quán.

2 chi nhánh cửa hàng của anh hiện tại không kinh doanh theo mô hình chuyên biệt rang xay tại quán mà chủ yếu nhập từ nguồn cung bên ngoài.

Sơn Tùng thừa nhận rằng trước đây bản thân anh cũng không quá am hiểu về các loại hạt cà phê. Do đó, khi quyết định kinh doanh, anh không nhắm đến mô hình quán cà phê chuyên rang xay các loại hạt.

Tuy nhiên, không vì thế mà anh bỏ qua chất lượng của cà phê khi nhập về.

Sơn Tùng từng đau đầu tìm nguồn nhà cung cấp cà phê rang xay uy tín cho quán.

“Tôi nhận thấy khách hàng yêu thích cà phê rất ‘nhạy’, họ không chỉ đến quán vì không gian, thái độ phục vụ của nhân viên mà còn vì quan tâm đến chất lượng, nguồn gốc các loại hạt, quy trình sản xuất… Những lúc đó, tôi nghĩ mình hoàn toàn có thể giải đáp cho khách hàng khi mình hiểu đủ và hiểu kỹ”, anh nói.

Để làm được điều đó, Sơn Tùng phải tốn nhiều thời gian, thông qua nhiều mối quan hệ để tìm được nguồn cung cà phê uy tín tại thành phố Đà Lạt.

Chia sẻ với Zing, anh cho biết mình đã lên tận xưởng, trò chuyện với chủ cơ sở. Khi biết được quy trình sản xuất, độ am hiểu từ phía nhà cung cấp, anh mới quyết định gắn bó lâu dài.

“Quan trọng hơn tôi muốn sản phẩm nhập về phải thật sự chất lượng, không tẩm, ướp, trộn thêm các thành phần khác. Đặc biệt phải đảm bảo vệ sinh, an toàn”, anh nói thêm.

Theo Zingnews

Share