Câu chuyện khởi nghiệpChạmMở quán cà phêNhân vật

Người và cà phê Lang Biang ‘bỏ bùa’ chàng trai Slovakia

Share

Chàng trai đến từ châu Âu đã kết hôn với cô gái người Lạch rồi cùng cộng đồng người thiểu số dưới chân núi Lang Biang (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) xây dựng thương hiệu cà phê hữu cơ Zanya, xuất khẩu sang Đức và Slovakia.
Khi du lịch ở Nha Trang, anh Marian Jakac (người Slovakia, kỹ sư công nghệ thông tin) kết hợp dạy tiếng Anh online kiếm thêm thu nhập để có điều kiện trải nghiệm nhiều hơn ở xứ sở mà anh yêu thích. Vì cảm mến cô học trò Krajăn Lim (25 tuổi), thầy giáo trẻ đã tìm đến buôn làng dưới chân núi Lang Biang và trở thành chàng rể theo phong tục bắt chồng của người Lạch.

Anh Marian và vợ trong khu nhà phơi cà phê

Núi đồi hùng vĩ, những rẫy cà phê chín đỏ trĩu cành và hương Arabica thơm ngào ngạt khiến Marian ngỡ ngàng. Anh nghiện cà phê lúc nào không hay, say mê học cách trồng, rang xay và chế biến loại thức uống tuyệt vời mà quê hương anh phải nhập khẩu 100%. Marian nhanh chóng nhận ra quê vợ là vùng đất hiếm hoi của Việt Nam có thể trồng được Arabica, loại cà phê thơm ngon hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, do rẫy cà phê của nhiều hộ đã già cỗi nên anh bàn với Lim thuyết phục các hộ phá bỏ số cây cũ, hình thành những vườn cà phê mới theo hướng sản xuất hữu cơ (không sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu hóa học). Để bà con yên tâm đầu tư, vợ chồng Marian cam kết bao tiêu toàn bộ sản lượng cà phê của hàng chục hộ dân với giá cao hơn thị trường.

Anh Marian pha chế cà phê cho khách tham quan thưởng thức

Một vấn đề khác, không kém phần nan giải là thuyết phục cộng đồng thay đổi thói quen thu hoạch cà phê: Thay vì tuốt cả quả chín lẫn quả xanh trên cành như hàng bao năm qua, nhà nông tỉ mẩn chọn hái những quả chín mọng 100%; sau đó rửa sạch, tách lấy hạt rồi phơi. Đây là khâu quan trọng nhất trong quy trình chế biến bởi vùng này mưa nhiều, độ ẩm cao khiến hạt cà phê dễ bị mốc.

Họ đặt tên cho sản phẩm của mình là Zanya, trên bao bì ghi xuất xứ Lang Biang Mountain, Coffee Việt Nam.

Zanya có hương vị trái cây chua nhẹ, ngọt hậu, khác biệt với nhiều vùng trồng Arabica khác. Do đó, khi Marian gửi về quê nhà và một số nơi để thăm dò thị trường đã nhận được sự phản hồi tích cực. Niên vụ 2020-2021, họ chế biến được 8 tấn cà phê thì các đối tác ở Slovakia, Đức đã mua hết 6,6 tấn.

Lâu nay, vỏ cà phê vốn là thứ vứt đi hoặc ủ làm phân hữu cơ. Riêng với Arabica, vỏ lại là nguyên liệu chủ yếu để chế biến trà. Loại trà Cascara của vợ chồng Marian sản xuất thơm lâu, ngọt dịu bởi nguyên liệu được tuyển lựa từ những hạt cà phê chín đỏ, tách vỏ theo phương pháp thủ công, sấy liên tục 48 giờ để không bị nấm mốc rồi đem phơi nắng đến khi vỏ cà phê chuyển sang màu nâu rồi đóng gói. Điều bất ngờ, vỏ cà phê Arabica, sau khi chế biến thành trà lại có giá cao gấp 3 lần hạt cà phê.

“Làm cà phê sạch vất vả và mất nhiều thời gian lắm, nhiều tháng mới xong một quy trình, trong đó 90% làm bằng thủ công. Nếu anh ấy không thực sự đam mê và tâm huyết thì chúng tôi khó có được kết quả tốt đẹp này”, chị Krajăn Lim chia sẻ.

Theo Tiền Phong 

Share