Tin tức cà phê

Quảng Trị: Hồi sinh thương hiệu cà phê Khe Sanh

Share

Sau gần 3 năm liền mất giá, đến nay cà phê tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã được thương lái thu mua với giá khá cao, giúp người trồng phấn khởi hẳn lên. Nhiều chủ trang trại cà phê phải thuê thêm công nhân để kịp vụ thu hoạch. Đó là tín hiệu đáng mừng để phục hồi thương hiệu cà phê Khe Sanh tại Quảng Trị.

Giá tăng – nhẹ gánh người trồng

Những ngày này, trên những vườn cà phê tại huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) người dân đang tất bật vào vụ thu hoạch. Cà phê năm nay được nhiều công ty thu mua với giá khá cao, 8.000 – 10.000 đồng/kg tươi, cao gấp 2 – 3 lần so với những năm trước. Nhiều người trồng cà phê đã giảm được nỗi lo lỗ vốn qua mấy vụ mùa rớt giá thảm hại.

Anh Trần Minh Bắc (thôn Húc Ván, xã Húc, Hướng Hóa) cho biết: “Năm nay, giá cà phê đã tăng nên gia đình tôi như gỡ được mối lo, vì sau nhiều năm rớt giá, tôi phải trồng thêm hoa màu, xen canh nhiều cây khác và chăn nuôi để duy trì diện tích cũng như lấy kinh phí đó để duy trì vườn cà phê, chờ tăng giá”.

Gia đình anh Trần Như Kiên (thôn Xa Ri, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa) có hơn 1ha cà phê, trà đang vào vụ thu hoạch. “Những năm trước, giá cà phê xuống quá nên chán nản, chỉ muốn chặt bỏ cây thôi. Còn nay giá đã tăng lên gần 10.000 đồng/kg, mừng lắm các anh à! Ước tính cuối vụ này gia đình tôi sẽ thu được trên 20 tấn cà phê tươi”.

nong-dan-huong-hoa-thu-hai-ca-phe-khesanh

Tập trung tái canh cây cà phê Khe Sanh

Để nâng cao năng suất cũng như chất lượng hạt cà phê, nông dân trồng loại cây này tại huyện Hướng Hóa đã tái canh, thay thế những diện tích cà phê già cỗi, kém hiệu quả. Từ năm 2014 đến nay đã có trên 300ha cà phê được tái canh trên địa bàn. Chính quyền địa phương đã kêu gọi người dân thay đổi nhận thức trong khâu chăm sóc và thu hoạch với phương châm “cà phê sạch, không tạp chất” nhằm đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường và phục hồi lại thương hiệu cà phê Khe Sanh – Hướng Hóa. Cùng với đó, các ngân hàng chính sách cũng giãn nợ, giảm lãi suất cho vay, giúp người trồng có thể tiếp cận được nguồn vốn để đầu tư tái canh cây cà phê tại vườn.

Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Hướng Hóa, trên địa bàn hiện có 4.700ha cà phê chè. Trong đó, hơn 4.000ha cà phê đã cho thu hoạch, tập trung tại các xã như Hướng Phùng, Hướng Tân, Tân Liên, Tân Hợp… Ông Hồ Quốc Trung, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hướng Hóa, cho biết: “Theo kế hoạch, trong năm 2016, huyện Hướng Hóa tái canh khoảng 70ha cà phê già cỗi, năng suất kém ở các xã Tân Liên, Tân Hợp, Hướng Tân, Hướng Phùng và đến thời điểm này đã cơ bản hoàn thành mục tiêu. Tới đây, huyện sẽ phân bổ nguồn kinh phí 300 triệu đồng để hỗ trợ người dân đang tái canh cây cà phê ở các địa bàn nói trên”.

Anh Phan Thạnh (thôn Quyết Tâm, xã Tân Lập, Hướng Hóa) tâm sự: “Sau 3 năm tái canh trước 1ha già cỗi, nay vườn cà phê đã cho trái đẹp và năng suất cao hơn. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục “trẻ hóa” diện tích vườn cà phê còn lại nếu được hỗ trợ thêm kinh phí từ chính quyền địa phương để góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cà phê trên địa bàn”.

Ông Lê Thanh Trung, Phó chủ tịch UBND xã Tân Lập (Hướng Hóa), thể hiện sự vào cuộc khá quyết liệt: “Ngoài thực hiện đồng loạt tái canh diện tích cà phê kém hiệu quả, chúng tôi còn tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm những thương lái có hành vi pha tạp làm bẩn cà phê, ảnh hưởng tới thương hiệu cà phê trên địa bàn”. Theo ông Trung, quá trình người dân thu hoạch cà phê thì vẫn tuân theo phương châm “cà phê sạch, không tạp chất” nhưng khi qua một số lái buôn thì cà phê từ sạch hóa thành bẩn. Bởi họ thường pha tạp chất vào cà phê để kiếm thêm lời, gây ảnh hưởng tới uy tín người trồng và thương hiệu cà phê Khe Sanh đã một thời nổi tiếng.

Tái canh Cây cà phê Khe Sanh: Nói hay, làm dở!

Ngọc Oai

http://www.sggp.org.vn/thongtincanuoc/mientrung/2016/11/440227/

Share